Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã gây ra ảnh hưởng nặng nề tới đời sống xã hội. Hiện nay Chính phủ chủ trương thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch vừa bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội, hạn chế thấp nhất khó khăn cho người lao động. Tuy nhiên, có một lĩnh vực không thể thực hiện được mục tiêu này, đó là các giáo viên (GV) mầm non tư thục và bảo mẫu, nhân viên cấp dưỡng các trường tiểu học công lập có bán trú.
Cô Trương Thị Kim Chi, chủ nhóm trẻ độc lập Thiên Lý (bìa trái), trao đổi cùng cán bộ Phòng GD-ĐT quận Bình Thủy
Họ là những người ký hợp đồng lao động làm việc tại các trường công lập nhưng không hưởng lương theo ngân sách, mà do thỏa thuận với hiệu trưởng trường). Khi nhà trường đóng cửa nghĩa là phải nghỉ việc. Không có lương, cuộc sống của họ ra sao?
1.Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, với cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, đạt chuẩn, vào những tháng hè, Trường Tiểu học Ngô Quyền được Phòng Giáo dục – Đào tạo quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, chọn là một trong số trường được tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, ôn tập kiến thức và vui chơi cho học sinh (HS), góp phần giúp các em HS có một mùa hè vui tươi, bổ ích và lành mạnh. Các bảo mẫu, nhân viên cấp dưỡng có thu nhập, cuộc sống ổn định.
Nhưng 2 năm nay, do dịch bệnh Covid-19, cùng với các cơ sở giáo dục, các trung tâm, Tiểu học Ngô Quyền cũng không còn hoạt động trong hè, vậy là 53 bảo mẫu và 10 nhân viên cấp dưỡng của trường không được hưởng lương, phải xoay xở tìm việc làm. Cô bảo mẫu Lâm Thị Thùy Trang có 2 con, lớn 17 tuổi, năm tới học lớp 12. Cháu nhỏ 12 tuổi, năm tới học lớp 7. Chồng cô là nhân viên nấu ăn cho nhà hàng, do Covid-19 khiến ngành du lịch gần như bị đóng băng nên anh thất nghiệp. Để mưu sinh cô Trang nhận dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ cho hàng xóm, ai thuê gì làm nấy. Chồng và con nhận làm gia công cho các cơ sở. Cô bộc bạch: “Mỗi ngày em kiếm được hơn 100.000 đồng, đủ để cả nhà mắm muối qua ngày. May mà gia đình em được ở chung với cha mẹ chồng, mấy chị ở nhà trọ cảnh ngộ còn khổ hơn em nhiều”.
Là trường đạt chuẩn quốc gia, Mầm non Tuổi Thơ là một trong số trường mầm non tư thục có quy mô lớn nhất TP.Cần Thơ, và là trường dẫn đầu quận Bình Thủy về số GV và quy mô HS. Vào mỗi dịp hè, đông đảo phụ huynh mang con đến học nên cô Mai Phương có việc làm suốt năm. Hè năm ngoái và năm nay nhà trường không hoạt động, để mưu sinh, mẹ cô ra chợ nhận dọn dẹp, phụ giúp buôn bán cho các tiểu thương. Cô Trang làm các loại bánh, kem chuối, rau câu, bán lòng vòng trong khu trọ và bán trên mạng… Sơ Lê Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thơ, bộc bạch: “Trường có 31 GV. Những cô giáo có nhà ở Cần Thơ, chồng có việc làm thì hoàn cảnh đỡ eo hẹp. Còn những cô giáo từ nơi khác đến, phải thuê phòng trọ, nếu không có lương thì rất khổ. Hè này một số cô giáo đã về quê. Những cô ở lại Cần Thơ phần nhiều buôn bán kiểu chạy chợ, hoặc online. Các cô khéo tay và rất chịu khó. Những trường hợp quá khó khăn nhà trường hỗ trợ các cô gạo, một số nhu yếu phẩm, góp phần giúp các cô vượt qua khó khăn”.
Do hoạt động trên cơ sở “lấy nguồn thu để chi” nên GV mầm non ở các cơ sở ngoài công lập và các bảo mẫu, nhân viên cấp dưỡng chỉ có lương khi các trường, các cơ sở hoạt động. Chung hoàn cảnh với các cô giáo, nhiều trường mầm non, nhóm trẻ độc lập, cũng phải đối mặt với những khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Các cơ sở này không có nguồn thu nhưng hàng tháng vẫn phải duy trì trả tiền mặt bằng, điện nước, phí vệ sinh, nhất là những trường vay tiền để xây dựng cơ sở vật chất, hàng tháng phải đóng tiền lãi…
Cô giáo dạy thực nghiệm cho trẻ tự kỷ tại hệ thống Trường Phổ thông Ngôi Sao, quận Cái Răng. Hiện nay các lớp phục hồi cho trẻ tự kỷ tạm ngừng hoạt động vì dịch Covid-19
2.Theo số liệu của Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, TP có 37 trường tư thục và 104 nhóm trẻ độc lập, với 1.018 GV ngoài công lập. Dù không hoạt động, các vị hiệu trưởng một số trường đã gói ghém, thu xếp để đóng bảo hiểm xã hội và hỗ trợ lương thực cho GV, nhân viên. Để duy trì các điều kiện cơ bản của cuộc sống, GV, nhân viên, bảo mẫu phải xoay xở làm mọi việc, từ buôn bán đến làm thuê mướn, làm vệ sinh cho các gia đình hoặc cơ quan; đi phụ hồ tại công trình xây dựng, thu nhập của họ rất hạn hẹp và bấp bênh… Do vậy cả chủ trường lẫn các GV, nhân viên, các bảo mẫu, cấp dưỡng đã mừng rơi nước mắt và rất phấn khởi khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021, về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, gồm 12 đối tượng được hỗ trợ, trong đó GV ngoài công lập và nhân viên cấp dưỡng, bảo mẫu thuộc nhóm 4: “Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí Giáo dục TP.HCM về việc triển khai quyết định này, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết: “TP đã chỉ đạo Sở Tài chính lập kế hoạch kinh phí và chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) các quận, huyện lập danh sách các đối tượng trong diện quy định, gửi lên TP để xúc tiến cứu trợ”… Là đơn vị đi đầu trong triển khai nghị quyết đầy nhân văn này, Phòng LĐ-TB&XH quận Bình Thủy đang phối hợp Phòng GD-ĐT quận rà soát và lập danh sách đối tượng trong diện hỗ trợ…
Tuy nhiên ở một vài nhóm trẻ độc lập, do sĩ số học sinh chưa đến 30 cháu nên GV nhận lương theo thỏa thuận, và tình hình GV cũng thường xuyên biến động nên chủ cơ sở gặp khó trong đóng bảo hiểm xã hội. Số GV này không nằm trong nhóm đối tượng 4 và được xếp chung với đối tượng lao động tự do (LĐTD). Hầu hết những trường hợp này, cũng như phần lớn các LĐTD khác ngoài xã hội, đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Để việc lập danh sách cũng như hoàn thành các thủ tục trợ cấp nhanh chóng cho LĐTD nói riêng, các đối tượng được trợ cấp nói chung, ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Tổ chức OxFam Việt Nam, đề nghị: “Các địa phương cần thành lập một ban cứu xét để rà soát các trường hợp, lập danh sách những đối tượng thuộc 12 nhóm hỗ trợ. Bộ LĐ-TB&XH xây dựng hệ thống trực tuyến quản lý. Tất cả những đối tượng khi được duyệt nhận hỗ trợ sẽ đăng thông tin cá nhân và địa chỉ của họ lên hệ thống này. Như vậy chính sách sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống mà vẫn bảo đảm chính xác, đúng đối tượng, tránh tình trạng trùng lặp khi nhận hỗ trợ hoặc lợi dụng chính sách”.
Đan Phượng
Bình luận (0)