Nghệ thuật hát bội (còn gọi là tuồng) đã trở thành một phần của văn hóa và âm nhạc cổ truyền dân tộc. Đồng hành cùng thời gian, hát bội đã trải qua bao thăng trầm, thay đổi và ít nhiều bị mai một trong dòng chảy của văn hóa hiện đại.
Nặng lòng với âm nhạc dân tộc, giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê đã có buổi nói chuyện “Vài nét đặc thù về hát bội” tại 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vào tối 18-11 và dẫn dắt người nghe vào thế giới tinh tế của nghệ thuật tuồng.
Giáo sư Trần Văn Khê đang giải đáp thắc mắc của khán giả về lịch sử của nghệ thuật hát bội |
Vài nét đặc thù về hát bội
Cuộc nói chuyện về nghệ thuật tuồng cổ và trình diễn hát bội là chủ đề của buổi sinh hoạt nghệ thuật định kỳ lần thứ tám diễn ra tại nhà riêng của vị giáo sư 87 tuổi, được Công ty Samsung Vina tài trợ thực hiện. Đây là một hoạt động thường xuyên do nhóm thân hữu của ông tổ chức thể theo ý nguyện của giáo sư là muốn truyền bá những hiểu biết về văn hóa cổ truyền của dân tộc, để mọi người thêm tự hào và có ý thức giữ gìn, phát huy tài sản tinh thần vô giá của quê hương.
Trong không gian ấm cúng và gần gũi, gần 100 khán giả đã được nghe về lịch sử của môn nghệ thuật dân tộc cổ truyền này. Người dân miền Nam đa phần quen thuộc và yêu thích cải lương hơn nên ít ai biết hát bội có bề dày lịch sử xưa nhất (từ thế kỷ XIII) và cho đến nay vẫn là loại hình nghệ thuật sân khấu tổng thể, toàn diện nhất.
Trích đoạn “Tống tửu Ô Hắc Lợi” qua phần biểu diễn của các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Hát bội TP.HCM |
Đào kép hát bội không chỉ biết diễn xuất mà còn phải hát hay, múa dẻo, dặm mặt khéo, võ thuật giỏi, còn nội dung tuồng hát là cả một tác phẩm văn chương trác tuyệt. Ngoài ra, sân khấu hát bội còn mang tính ước lệ rất cao nên điệu bộ của diễn viên đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế, chẳng hạn chỉ qua cử chỉ vung roi là khán giả biết nhân vật đang cưỡi ngựa, một mái chèo cũng gợi được hình ảnh đoàn thuyền đang băng băng vượt sóng.
Loại hình nghệ thuật này còn có một nét riêng, không trộn lẫn vào đâu được, đó chính là trang phục và cách dặm mặt, hóa trang cho diễn viên. Qua nét mặt, xiêm y của họ, người xem biết ngay đó là tướng văn hay tướng võ, trung thần hay nịnh thần. Một nghệ sĩ trên sân khấu hát bội, không chỉ cần thanh, sắc mà còn phải hội tụ đủ thục, tinh, khí, thần.
Thục là thuần thục nhân vật mình thủ vai và ý nghĩa câu hát, tinh đòi hỏi sự tinh tế trong biểu diễn trên cơ sở nắm rõ tính cách, bản chất của nhân vật, khí là khí vận, là cách lột tả đúng tính cách điển hình của nhân vật, còn thần là tâm hồn, tinh thần và sức sống bên trong của diễn viên.
Nhiều khán giả đã đến nghe giáo sư Trần Văn Khê trình bày về bộ môn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc |
Những hiểu biết về nghệ thuật tuồng cổ mà giáo sư Trần Văn Khê thuyết giảng đã được cụ thể hóa một cách sinh động qua cách diễn xuất và hát minh họa do chính giáo sư thể hiện. Nhiều tràng pháo tay vang lên không dứt khi ông vào vai một trung thần khóc minh quân, hay một Đổng Trác có nụ cười ngạo nghễ…
Khán giả còn được thưởng thức trích đoạn vở tuồng “Tống tửu Ô Hắc Lợi” (Tiễn rượu Ô Hắc Lợi lên đường ra trận) của hai nghệ sĩ ưu tú Ngọc Nga và Xuân Quan đến từ Nhà hát Hát bội TP.HCM. Qua sự dẫn dắt, phân tích của giáo sư, người xem đã hiểu rõ hơn về vở diễn, thấm thía được cái hay của nghệ thuật tuồng. Tiết mục dù ngắn nhưng đã thể hiện hết sự tinh tế, vi diệu của nghệ thuật hát bội qua cách biểu đạt tình cảm đủ mọi cung bậc hỷ nộ ái ố, thanh nhạc giao hòa khí nhạc, tiết tấu phối hợp nhịp nhàng cùng tiếng đờn, kèn, trống và phách.
Buổi nói chuyện kéo dài hơn hai giờ đồng hồ mà giáo sư vẫn luôn hào hứng và nhiệt tình. Dường như được nói về âm nhạc dân tộc là một niềm hạnh phúc nên ông càng nói càng hăng say, càng hấp dẫn và tuổi tác không thể ngăn được niềm đam mê cùng tâm huyết dành cho nghệ thuật dân tộc mà cả đời ông đã nghiên cứu, trân trọng.
Ước mơ giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc
Trong những bài viết nói về nghệ thuật độc đáo của hát bội, giáo sư Trần Văn Khê đã nhiều lần tỏ ý lo ngại cho sự mai một của bộ môn này vì người Việt trẻ đang thờ ơ dần với âm nhạc cổ truyền dân tộc. Buổi nói chuyện tối 18-11 cũng nhằm để trao đổi tư tưởng và hy vọng truyền được phần nào niềm tin yêu và trân trọng nghệ thuật tuồng cổ cho giới trẻ.
Giáo sư cho biết tuổi tác của ông đã xế chiều nên giờ đây ông chỉ có một tâm niệm duy nhất là có thể gửi gắm những hiểu biết về văn hóa truyền thống cho thế hệ sau cố gắng giữ gìn, phát huy và tiếp nối muôn đời. Điều đó càng trở nên có ý nghĩa trong thời buổi văn hóa phương Tây du nhập vào đời sống tinh thần của giới trẻ khiến những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, mà điển hình là hát bội, đang dần bị quên lãng.
Nhiều câu hỏi của khán giả đặt ra trong buổi nói chuyện xoay quanh nguyên nhân vì sao hát bội ngày càng bị mai một. Có ý kiến cho rằng: “Dường như bây giờ người ta xem hát bội chỉ để nghiên cứu chứ chẳng mấy ai xem vì mục đích giải trí nữa”. Đó thật là một điều đáng buồn cho sân khấu hát bội vì chỉ mới hơn nửa thế kỷ trước, đây chính là nghệ thuật sân khấu đắc địa nhất là ở miền quê.
Tuy nhiên, khi những loại hình nghệ thuật tân thời, hấp dẫn khác ra đời cùng với sự phát triển của xã hội, hát bội trở nên thụ động vì lối trình diễn bị xem là lỗi thời. Người xem của thế hệ hôm nay khó hiểu được làn điệu, ngôn ngữ xưa trúc trắc, cầu kỳ, thậm chí các câu thoại của nhân vật có quá nhiều tiếng Hán, tiếng Nôm. Giới trẻ không thể tiếp thu, không cảm thấy thoải mái khi đến với hát bội nên vô tình, sân khấu tuồng tự ngăn cách mình với công chúng.
Dẫu vậy, vẫn có rất nhiều bạn trẻ đến với buổi nói chuyện của giáo sư Trần Văn Khê, như một minh chứng rằng nghệ thuật đích thực chưa bao giờ mất đi trong lòng người mộ điệu. Sinh viên Lê Thị Ngân đến từ Đại học Sài Gòn cho biết: “Cũng như bao bạn trẻ khác, lúc đầu nghe hát bội tôi không hiểu gì nên không mấy mặn mà. Hôm nay được nghe giáo sư phân tích, giảng cặn kẽ, tôi mới thấy môn nghệ thuật này rất gần gũi, sâu sắc và hấp dẫn”.
Qua chương trình “Vài nét đặc thù về hát bội”, cô cùng những người bạn đã được truyền niềm yêu mến nghệ thuật tuồng cổ nên quyết định sẽ về trường tổ chức những buổi giới thiệu về âm nhạc cổ truyền dân tộc như thế để các bạn trẻ đồng lứa hiểu biết thêm, từ đó trân trọng hơn, yêu quý hơn gia tài văn hóa truyền thống của nước nhà.
Một giảng viên trẻ của trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, anh Đặng Viên Ngọc Trai đã nói lên được suy nghĩ của nhiều người trẻ hiện nay. Theo anh, chính tâm lý không thích thú dẫn đến thái độ hời hợt, chán nản của nhiều người khi tiếp xúc với tuồng cổ. Anh nói: “Từ trước đến giờ, người dân Nam bộ chỉ thích cải lương, còn hát bội vì nghe hoài không hiểu nên cứ thấy hát tuồng là tắt tivi ngay. Nhưng nay có dịp được nghe tỉ mỉ về nội dung tuồng cổ và hiểu được giá trị văn hóa của hát bội, tôi và nhiều người trẻ khác đã có một tâm thế sẵn sàng để tìm hiểu sâu hơn và trân trọng môn nghệ thuật truyền thống này”.
Anh còn cho biết sẽ đưa những kiến thức này vào bài giảng cho sinh viên để giới trẻ ý thức rõ hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc và không đánh mất những vốn quý của quê hương. Và đó cũng là tâm nguyện chung của tất cả mọi người đến với buổi trò chuyện tại tư gia giáo sư Trần Văn Khê, mong muốn góp sức cùng giáo sư truyền bá, giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc.
Đây là buổi sinh hoạt định kỳ lần thứ 8 của GSTS Trần Văn Khê và là buổi cuối cùng trong năm nay. Năm 2009, bốn buổi nói chuyện tương tự sẽ được tổ chức. Cổ vũ việc phát huy văn hóa truyền thống Việt Nam, Công ty Samsung Vina sẽ tài trợ các buổi sinh hoạt này.
Theo ANH KHANG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần Ý kiến bạn đọc
Bình luận (0)