Kì tuyển sinh ĐH 2010 đã trôi qua, nhìn chung đề thi của từng môn trong đợt tuyển sinh này đều được dư luận đánh giá cao, trong đó môn hóa có những điểm mới rất rõ nét, đó là đã xuất hiện các dạng bài mới, không hỏi theo lối sáo mòn, khiến thí sinh phải có tư duy năng động mới bắt kịp nhịp độ của đề, còn bằng không sẽ bị cuốn trôi theo dòng thời gian vốn ít ỏi của các môn thi.
Nói rằng đề hóa năm nay hay hơn những năm trước, là điều không một giáo viên nào phủ nhận. Hay ở đây, nghĩa là hầu hết các câu hỏi đều có sự đầu tư thỏa đáng. Ở phần lí thuyết, có thể kể đó là các câu 1; 18; 31; 46; 57 (mã đề 815, khối A) hoặc các câu 4; 16; 17; 29; 31; 32; 43; 47; 53; 58; 60 (mã đề 174, khối B). Với các câu này, học thuộc lòng không đủ giúp thí sinh chọn đáp án đúng, vì các câu hỏi ở đây đòi hỏi thí sinh phải có kĩ năng phân tích, tổng hợp vấn đề. Ví dụ với câu 43 (mã đề 174, khối B): “Có bao nhiêu chất hữu cơ mạch hở dùng để điều chế 4-metylpentan 2-ol chỉ bằng phản ứng cộng H2 (xúc tác Ni, to)” thì rõ ràng câu hỏi yêu cầu thí sinh phải vận dụng được các kiến thức về danh pháp, về tính chất hóa học của ancol; xeton; về đồng phân thì mới trả lời đúng được số chất là 5 (2 ancol và 3 xeton).
Trong phần bài tập tính toán, có những câu thoạt nhìn khá đơn giản, vì giả thiết không rườm rà, phức tạp nhưng để chọn được đáp án đúng thì lại là chuyện không dễ. Đó mới thực sự là những câu hỏi hay, phù hợp với tính chất của kì thi trắc nghiệm, và quan trọng hơn là của cả thời lượng làm bài của thí sinh. Nổi bật cho dạng bài tập này là các câu 37; 50 (mã đề 815, khối A) hoặc các câu 23; 44; 57 (mã đề 174, khối B).
Một điểm hay nữa của đề thi ĐH môn hóa năm nay là đã phần nào loại được các câu quá rườm rà, thiên về tự luận ra khỏi đề thi. Còn nhớ năm 2009, đề khối A cũng như khối B còn khá nhiều những câu kiểu này. Chẳng hạn đề khối B năm 2009 có câu điện phân nhôm oxít nóng chảy tạo hỗn hợp gồm 3 khí quá nặng về kỹ thuật tính toán. Khi đó thí sinh phải giải hệ phương trình tìm ra số mol mỗi khí, sau đó suy ra số mol O2 tạo thành do điện phân rồi mới tính được khối lượng nhôm.
Tuy nhiên đề tuyển sinh năm 2010 lần này không phải đã tránh được những câu nặng về kỹ thuật tính toán như đã nói ở trên. Có thể đơn cử như câu 13 (mã đề 815, khối A) tuy mức độ phức tạp đã giảm nhiều so với các năm trước nhưng thí sinh vẫn phải dựa vào dữ kiện số mol X bé hơn số mol Y để loại nghiệm làm bài toán trở nên dài dòng.
Tóm lại đề hay hẳn nhiên là khó, nhưng đề khó chưa chắc đã phải là đề hay. Hy vọng những năm sau, các đề tuyển sinh lên ra theo hướng này, vì rằng đề hay (chứ không phải đề khó) sẽ thực sự giảm bớt áp lực đối với phụ huynh và thí sinh.
NGUYỄN ĐÌNH ĐỘ
(GV Trường THPT DL Nguyễn Khuyến)
Bình luận (0)