Sự kiện giáo dụcTin tức

Để học sinh không còn đánh nhau

Tạp Chí Giáo Dục

Sau một thời gian sở GD-ĐT kiên quyết chấn chỉnh, tình hình bạo lực học đường tạm lắng xuống trong những tháng qua. Thế nhưng, sự việc các em nữ sinh lớp 7 Trường THCS Chu Văn An Q.11 kéo bạn vào phòng học đánh rồi quay phim chuyền tay nhau xem, hăm dọa cả lớp nếu ai mách với thầy cô sẽ bị đánh tương tự gây xôn xao dư luận. Điều đáng nói là cả lớp trưởng và lớp phó lại tham gia vào vụ “đánh hội đồng” này! Lẽ ra, các em trong ban cán sự lớp phải làm gương, vì các em là những HS được giáo viên ủy quyền, giao nhiệm vụ ổn định lớp, đoàn kết lớp, phát hiện và báo cáo những sai phạm nếu có của các bạn… Điều đó, cộng với những vụ việc báo chí từng phản ánh cho thấy bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối của xã hội, nỗi lo âu của phụ huynh, bài toán nan giải của nhà trường và ngành giáo dục. Mặc dù đã cố gắng và có chuyển biến trong thời gian qua nhưng chưa căn cơ, thiếu bền vững.
Từ câu chuyện ấy, tôi ray rứt với câu hỏi: phải làm gì để giảm bạo lực trong học đường, để HS không đánh nhau hoặc chí ít cũng giảm thiểu đánh nhau ở tuổi học trò?
Ngoài việc phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc quản lí giáo dục các em, phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn và xử lí kịp thời các biểu hiện bạo lực thì việc quan tâm tổ chức quản lí, giám sát trong nhà trường rất quan trọng. Việc thiết lập các kênh nắm bắt thông tin từ học sinh vô cùng cần thiết. Việc đầu tiên cần làm là thiết lập hệ thống hộp thư xanh. Hộp thư xanh cần được bố trí ở các vị trí thuận tiện để HS phản ánh ý kiến, những trăn trở, tâm tư suy nghĩ, thắc mắc của các em. Thực tế tại trường tôi cho thấy từ hộp thư này nhà trường nắm bắt và xử lí kịp thời thông tin từ phản ánh của các em: từ việc giảng dạy của thầy cô, việc thực hiện nội quy nhà trường của HS, việc đề xuất các phong trào cần tổ chức đáp ứng nhu cầu của các em cho đến những thắc mắc tuổi mới lớn cần được người lớn chia sẻ… Hiển nhiên, người phụ trách hộp thư phải thực sự tâm huyết, có trách nhiệm, đảm bảo bí mật và biết cách tham mưu với ban giám hiệu trong việc tiếp nhận và xử lí thông tin.
Việc thứ hai cần làm là thành lập đội hình tình nguyện giám sát bí mật nhằm phát hiện và báo cáo với nhà trường những biểu hiện bất thường trong học sinh. Lực lượng này được tổ chức chặt chẽ rải đều ở các khối lớp, các khu vực có HS tập trung để theo dõi nắm bắt tình hình. Các em này làm việc tự nguyện nhưng đảm bảo bí mật và khách quan. Chính lực lượng này sẽ giúp nhà trường nắm bắt tình hình HS hiệu quả nhất, kịp thời nhất. Tôi nhớ, trong lần giao ban tháng 10, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn chỉ đạo Đoàn trường, chi đoàn giáo viên và liên đội phối hợp thực hiện và tổ chức đội nhóm tình nguyện vì trật tự an toàn trường học, xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm chấn chỉnh trật tự kỉ luật trong trường. Nếu làm tốt chỉ đạo này của lãnh đạo sở, tôi tin là sẽ có chuyển biến tích cực.
Tăng cường việc tổ chức tư vấn, phòng tham vấn học đường. Mặt khác, giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm thật sát, chia sẻ, cảm thông thật sự với các em như người thầy mẫu mực và như người bạn thân thiết để các em có thể giãi bày những nỗi niềm của mình.
Lãnh đạo trường tăng cường các hoạt động đối thoại, lắng nghe ý kiến HS để các em bày tỏ những suy nghĩ và cả những bức xúc của các em để từ đó thầy cô hiểu các em hơn, định hướng, giáo dục các em tốt hơn. Một khi các em thấy mình được quan tâm, tôn trọng, lắng nghe thì ít nhiều các em cũng tự tin và sống trách nhiệm hơn với chính mình, với bạn bè.
Nhà giáo THANH LIÊM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)