Chủ trương giảm tải của Bộ GDĐT vừa kịp tới với các trường phổ thông, thì những chủ trương “nội bộ” ở nhiều trường nhằm buộc học sinh học thêm ngay tại trường lại như một “giải pháp thay thế” để lấp đầy thời gian trong ngày của mỗi học sinh.
Thậm chí, nhiều trường tổ chức học thêm tại trường một cách quá “tích cực” khiến giáo viên, mặc dù nhận được tiền dạy thêm, vẫn tỏ ra bất mãn. Có cô giáo đã cho phép học sinh của lớp mình trong giờ học thêm có thể… tổ chức lễ sinh nhật, mục tiêu là để trò khỏi phải học và thầy đỡ phải dạy.
Bây giờ, nói học sinh không học thêm mà đi thi đại học hay thi vào lớp 10 đạt điểm cao là nói không thực tế. Đã có những giáo viên (ở Quảng Ngãi) tỉ mẩn tìm ra ngay trong đề thi đại học năm nay có những kiến thức không hề có trong sách giáo khoa, mà nếu học sinh không đi học thêm thì khó lòng biết được cách giải những dạng đề như thế.
Nhưng nếu buộc học sinh ngoài giờ học chính khóa, học thêm ở các trung tâm do các cô thầy mở tại nhà, còn phải “học nhồi” ở ngay trường cũng do các thầy cô của mình dạy, thì sự quá tải này xem ra còn nặng hơn cái quá tải của chương trình sách giáo khoa rất nhiều.
Người ta rất ngạc nhiên vì sao trong các đề thi đại học lại “chen” những câu hỏi ngoài kiến thức sách giáo khoa mà chỉ có trong các giáo trình dạy thêm? Phải chăng đây là một “phương pháp ẩn” (được gọi là nâng cao, phân loại) của ngành giáo dục nhằm tìm kiếm tài năng từ các lò luyện thi đang mọc như nấm sau mưa? Và các lớp học thêm mở ngay trong các trường với những lý do rất “minh bạch” là bồi dưỡng thêm kiến thức cho học sinh?
Với cách học nhồi nhét nặng nề hàng lô hàng lốc kiến thức như thế, mà xem ra trình độ học vấn thật sự của học sinh bây giờ chẳng được nâng cao là bao, nếu không nói là xuống thấp. Học như thế thì ngay ở những nước có truyền thống giáo dục nặng về thi cử như Nhật Bản hay Hàn Quốc, Trung Quốc cũng phải chào thua!
Làm mụ mị đầu óc con trẻ, không còn chừa bất cứ khoảng thời gian nào cho trẻ có thể chơi, có thể tham gia các hoạt động mang tính xã hội nhằm giáo dục lòng yêu nước và tinh thần nhân ái, thì phải coi cách giáo dục hiện nay là nhằm mục đích gì ?
Nói thẳng ra, đó là cách “luyện thi từ lớp 1”, với mục đích duy nhất là thi đậu trong tất cả các kỳ thi, chứ không phải tích lũy kiến thức một cách thông minh và tích cực nhằm trang bị cho học sinh cái nền học vấn vững chắc và năng động.
Nếu Bộ GDĐT chủ trương giảm tải chương trình học trong sách giáo khoa, thì cũng cần “giảm tải” ngay việc học thêm ngay tại trường một cách bắt buộc. Việc học thêm, hãy để học sinh tự lựa chọn lấy cho mình. n
Theo Thanh Thảo
(Dân Việt)
Bình luận (0)