HS Trường TH Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM) đọc sách tại sân trường. Ảnh: N.Trinh |
Tình trạng giới trẻ nói chung và học sinh phổ thông nói riêng nói không với sách đang là vấn đề được xã hội quan tâm. Ở bài viết này, tôi xin nêu ra một số nguyên nhân và giải pháp giúp các em yêu sách hơn.
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, đọc sách là một nhu cầu: Để nâng cao tri thức, để giải trí, để thường thức… Không ai có thể phủ nhận được quyền năng và vai trò của sách. Có sách là có tri thức, là chìa khóa để con người vươn tới những giá trị đích thực cuộc sống. Sách cũng chính là phương tiện mà sản phẩm tinh túy của loài người gửi gắm trong đó. Tuy nhiên, mặc dù sách ở nước ta không thiếu nhưng đến với sách thì không phải là chuyện dễ, nhất là học sinh hiện nay.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển từng nhận xét: “Hạn chế của học sinh hiện nay là thiếu kỹ năng giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn, thiếu kỹ năng sống và làm việc theo nhóm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế đó, trong đó có nguyên nhân học sinh ít có thói quen thường xuyên đọc sách”. |
Theo tôi, có một số nguyên nhân cơ bản sau: Thứ nhất, ngày nay học sinh bị lôi cuốn quá nhiều vào các hình thức khác hấp dẫn hơn và có tính chất giải trí, thư giãn như: Xem phim, lướt web, đọc truyện trên mạng, tham gia vào các trang mạng xã hội. Điều này làm cho thời gian nghiên cứu sách ít hơn, đọc sách chỉ để dùng vào mục đích thi, kiểm tra hoặc thu hoạch, làm chuyên đề… Thứ hai, ở các nhà trường phổ thông, việc tạo cho học sinh niềm đam mê đọc sách vẫn chưa có biện pháp hiệu quả, có chăng chủ yếu mang tính phong trào mà chưa trở thành thói quen, nền nếp, thường xuyên, liên tục. Việc định hướng, giáo dục cho các em đến với sách chưa khoa học mà chủ yếu mang tính ép buộc, giao khoán. Không ít trường phổ thông chưa coi việc đọc sách trở thành nhiệm vụ bắt buộc, các phương pháp giảng bài chưa kích thích sự tìm tòi khám phá mà bắt buộc học sinh đến với sách. Thứ ba, trong giáo dục trẻ, phụ huynh còn xem nhẹ việc đọc sách của con. Thiếu sự lựa chọn, định hướng đúng cho con đối với sách cũng như các tài liệu học tập. Đặc biệt, do cha mẹ thiếu kỹ năng nên cũng không thể rèn cho trẻ kỹ năng làm sao đọc sách một cách hiệu quả.
Vậy giải pháp nào giúp các em yêu sách hơn? Trước hết, mỗi học sinh hãy nhận thức đúng ý nghĩa của việc đọc sách. Bởi muốn làm chủ cuộc sống, muốn cống hiến ước mơ và hoài bão, muốn đề kháng với những thói hư tật xấu thì các em nên hướng vào việc đọc sách. Người lớn nên dạy cho trẻ chìa khóa để tìm đến mỗi cuốn sách một cách hiệu quả nhất. Đó cũng chính là hình thành kỹ năng đọc sách. Hãy coi đọc sách như là một nhu cầu tinh thần và đem lại sự sảng khoái hơn là sự áp đặt. Không có cảm xúc thì không thể tìm được chân lý ở sách và không có hứng thú cũng không bao giờ thẩm thấu được giá trị ở từng cuốn sách. Các em nên hợp tác để trao đổi, bàn luận và cùng nhau khám phá tri thức. Đặc biệt, các phương tiện truyền thông, truyền hình cần thường xuyên giới thiệu, định hướng… để mỗi cuốn sách đến được với học sinh phù hợp lứa tuổi, nghề nghiệp.
ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công
Bình luận (0)