Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Để học thông qua chơi có hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

“Lồng ghép Học thông qua Chơi vào giáo dục tiểu học” (iPLAY Việt Nam) là dự án hợp tác giữa Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật Vùng Fla-măng (VVOB, Bỉ) và Bộ GD-ĐT. Theo đó, dự án nhằm nâng cao năng lực giáo viên thực hiện lồng ghép học thông qua chơi (HTQC) vào các hoạt động học tập trên lớp để hỗ trợ học sinh tiểu học Việt Nam phát triển toàn diện và góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do dịch Covid-19 kéo dài, việc triển khai dự án đến từng trường học, từng giáo viên tiểu học ở các tỉnh/thành gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vượt qua mọi trở ngại, dự án “Lồng ghép Học thông qua Chơi vào giáo dục tiểu học” đã được Sở GD-ĐT TP.HCM hoàn thành việc tập huấn phổ biến dự án đến từng trường học, từng giáo viên tiểu học trên toàn thành phố. Để HTQC được vận dụng có hiệu quả trong thực tế, giáo viên tiểu học cần lưu ý một số điểm quan trọng khi thực hiện. Theo đó, trong HTQC, giáo viên cần hiểu rõ “chơi” không chỉ là chơi các trò chơi hay các hoạt động vận động. Các loại hoạt động và trải nghiệm mà học sinh được tự do khám phá, tìm tòi cũng được hiểu là chơi. “Chơi” được nói đến trong dự án này có nghĩa là khi hoạt động học tập học sinh cảm thấy vui vẻ, có ý nghĩa, thúc đẩy các em tích cực tham gia, có nhiều cơ hội thử nghiệm và tương tác xã hội. Hiểu rõ điều này, giáo viên sẽ không bị sa đà vào việc tìm kiếm, suy nghĩ các trò chơi khi soạn kế hoạch bài dạy. Để thực hiện HTQC có hiệu quả, thầy cô phải nhớ luôn áp dụng 5 đặc điểm và 4 nguyên tắc của HTQC. Năm đặc điểm là vui vẻ, có ý nghĩa, tham gia tích cực, nhiều cơ hội thử nghiệm, tương tác xã hội. Bốn nguyên tắc là kết nối hoạt động HTQC với mục tiêu học tập, khuyến khích sự tự chủ của học sinh, quản lý lớp học hiệu quả và sắp xếp không gian lớp học tích cực, cởi mở. Việc áp dụng 5 đặc điểm, 4 nguyên tắc này cũng tùy thuộc vào từng lớp học, từng môn học, từng chủ đề, từng tiết học. Thầy cô cần linh hoạt vận dụng, không nhất thiết các nguyên tắc này phải thể hiện rõ rệt, nổi bật như nhau. Việc chuẩn bị kế hoạch bài dạy “Lồng ghép Học thông qua Chơi vào giáo dục tiểu học” không đơn giản mà đòi hỏi giáo viên có sự nghiên cứu, tìm tòi, chọn lựa phương pháp, kỹ thuật dạy phù hợp mới có thể có được tiết học trong thực tế thật sự hiệu quả. Một điểm mà thầy cô cũng cần chú ý khi soạn kế hoạch bài dạy đó là thời lượng tiết học. Hiện nay, 1 tiết học ở tiểu học chỉ có 35 phút, nếu không chú ý thầy cô sẽ không kịp thời gian dạy trong thực tế. Các kế hoạch bài dạy mà thầy cô soạn trong những buổi tập huấn “Lồng ghép Học thông qua Chơi vào giáo dục tiểu học” rất hay, đảm bảo 5 đặc điểm, 4 nguyên tắc HTQC. Tuy nhiên, khá nhiều kế hoạch bài dạy không khả thi vì trong 35 phút của 1 tiết học không thể chuyển tải hết các kế hoạch bài dạy được soạn theo đề án HTQC nhưng không chú ý đến thời gian.

“Vạn sự khởi đầu nan”, với năng lực giảng dạy, với sự linh động, sáng tạo và yêu nghề, mến trẻ của đội ngũ giáo viên tiểu học tại TP.HCM, tôi tin dự án “Lồng ghép Học thông qua Chơi vào giáo dục tiểu học” ở thành phố sẽ đạt hiệu quả cao trong thực tế.

Lê Phương Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)