Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Để kéo giảm tai nạn giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, nhân Hội nghị tổng kết một năm an toàn giao thông toàn quốc, báo chí đưa khá nhiều thông tin về số vụ và số người bị thương vong vì tai nạn giao thông (TNGT). Theo đó, trong năm đã xảy ra 14.442 vụ làm thương vong 22.112 người, trong đó có 11.449 người thiệt mạng; thiệt hại tài sản, tiền của lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Nhiều nguyên nhân đã được đề cập, nhưng suy cho cùng tất cả đều do con người!
Mặc dù được sự quan tâm chỉ đạo từ trung ương cho tới địa phương, huy động nhiều nguồn lực xã hội tham gia, trong đó có sự tham gia tích cực của ngành giáo dục, nhằm kéo giảm TNGT, nhưng thống kê cho thấy hiểm họa TNGT vẫn chưa được khống chế. So với năm trước số vụ TNGT tăng 14,12% (1.788 vụ); số người bị thương vong tăng 30,6% (2.500 người); chỉ kéo giảm được 0,04% (47 người) tử vong.
 Các con số thống kê tuy có phản ánh một phần thực trạng tai họa, nhưng đằng sau các số liệu ấy là cả nỗi đau mất mát to lớn và gánh nặng lo toan của hàng chục ngàn gia đình, hàng trăm ngàn người thân và của cả xã hội; không phải chỉ trong một tháng, một năm mà có khi còn kéo dài cả đời! Ai cũng thấy đó là vấn nạn lớn, cảm thấy đau. Nhưng đâu là nguyên nhân, đâu là giải pháp căn cơ nhất?
Để xảy ra TNGT nguyên nhân đầu tiên phải kể tới là tài xế – con người. Không thể đổ lỗi cho đường sá, cho phương tiện… Tất nhiên các yếu tố đó có vai trò trong TNGT. Nhưng mọi khiếm khuyết của nó đều có thể né tránh được, một khi người điều khiển xe có đủ điều kiện cầm lái, cẩn trọng và có tinh thần trách nhiệm cao – trách nhiệm với bản thân mình, với người đi theo mình, với hành khách và với những người đi đường khác!
Đường sá rồi sẽ phải tốt hơn, phương tiện xe cộ rồi sẽ phải hiện đại, tiện nghi và an toàn hơn. Nhưng một khi người lái xe, người điều khiển phương tiện giao thông bất cẩn không làm chủ được tốc độ, không biết luật, không chấp hành luật, cứ phóng nhanh vượt ẩu… thì không thể kéo giảm TNGT. Có khi đường sá to rộng, xe cộ tốt… lại vô tình tạo điều kiện cho tài xế thiếu lương tâm trách nhiệm chạy nhanh hơn, ẩu hơn… thì TNGT sẽ càng nhiều và thiệt hại cũng nghiêm trọng hơn.
Do đó, các giải pháp căn cơ nhất để giảm thiểu TNGT là cần phải nhắm tới người lái xe, tới con người. Và lâu dài hơn, căn bản hơn là xuất phát từ giáo dục, phải từ nhà trường.
Trước mắt, tập trung nhóm giải pháp nhằm điều chỉnh hành vi người lái xe: Phạt thật nặng! Cảnh sát giao thông phải trong sạch, nghiêm minh; tăng thiết bị hiện đại để ghi nhận vi phạm Luật Giao thông chính xác, không thể chối cãi… Căn cơ nhất là tất cả mọi người phải học Luật Giao thông và chấp hành Luật Giao thông. Luật Giao thông phải thuộc nằm lòng, cho HSSV thi tốt nghiệp như là môn học bắt buộc; là luật căn bản, khởi đầu – trước khi học các luật khác – của mỗi công dân trong một xã hội thượng tôn pháp luật. Một chiến lược quốc gia về an toàn giao thông nên bắt đầu từ giáo dục và nhắm tới con người nhiều hơn!
Đức Nhuận

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)