Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2018, các giáo viên (GV) bộ môn tại TP.HCM đã phân tích và cho rằng: đề khó, chắc chắn sẽ gây áp lực cho cả GV và học sinh (HS) trong quá trình ôn tập, thi cử.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2017 tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM). Ảnh: M.Tâm |
Chưa mang tính phân loại
Đối với đề thi minh họa môn văn, cô Hồ Ánh Tuyết (nguyên GV Trường THPT Trung Phú) cho rằng đề quen thuộc như năm 2017, thuận lợi cho GV và HS vì đã theo định hướng ôn tập trước đây. Phần nghị luận xã hội không trích nguyên văn một câu trong văn bản để làm đề mà chỉ dựa vào ý văn bản để hỏi suy nghĩ về ý nghĩa của sự trải nghiệm là rất hay, là một vấn đề mà mỗi HS đều có thể viết một cách thoải mái, sáng tạo. Cách hỏi này cũng giúp GV khi ôn tập cho HS dễ tìm ngữ liệu hơn, ý của đề phong phú hơn, so với trước đây chọn trích nguyên văn một câu để làm đề nên ý gò bó hơn. Phần nghị luận văn học rất hay vì tính phân hóa rõ, phù hợp cho kỳ thi “2 trong 1”; phần liên hệ với kiến thức 11 vừa phải, hợp lý, đồng thời phát huy được sự vận dụng sáng tạo của HS ở yêu cầu nhận xét quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người. Tóm lại, câu này sẽ đánh giá, phân loại chính xác HS trung bình, khá, giỏi, không có sự ăn may và cũng đòi hỏi GV tránh dạy “tủ” mà phải dạy kỹ nội dung kiến thức và phương pháp làm văn. Tuy nhiên, cô Tuyết lại băn khoăn ở phần 1 (đọc hiểu) dù đánh giá phần này có nội dung gần gũi với cách nhìn, cách nghĩ của nhiều người và của HS cuối cấp nói riêng, từ ngữ dễ hiểu nên HS dễ cảm nhận. Cụ thể, câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt của văn bản nên thêm yêu cầu lý giải để đòi hỏi HS phải nắm chắc tại sao văn bản thuộc phương thức biểu đạt ấy, tránh trường hợp HS yếu đoán mò trong khi các em nắm vững đặc điểm của phương thức biểu đạt nhưng lại không dám ghi vì đề không yêu cầu. Trong khi đó, ở câu 2 chắc chắn HS sẽ lấy ý ở đoạn 1 của văn bản để trả lời bởi trạng ngữ “chính vì vậy” là phép thế chỉ ý đoạn 1. Tiếp tục, câu 3 HS chắc chắn sẽ lấy ý của đoạn 1 để trả lời, như vậy trong bài làm của đa số các em sẽ có cùng một nội dung và câu 3 trùng lắp nhau. Theo cô Tuyết: “Nên chăng, ý của câu 3 nên lấy ý của đoạn 3 trong văn bản thì sẽ hay hơn, ý trả lời sẽ không trùng lắp. Ví dụ: Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: Hoàn hảo là một điều không tưởng?”.
Trong khi đó, đề thi môn tiếng Anh lại được một số GV cho là dễ hơn các năm trước đây, lượng câu hỏi phân hóa khá giỏi mới chỉ đạt khoảng 30 câu. Thầy Hoàng Thế Bình (GV Trường THPT Ten-Lơ-Man) nhận định: Lượng câu khó ở đề thi minh họa năm nay không nhiều như trước đây, HS chỉ học trong SGK vẫn có thể dễ dàng đạt được điểm trung bình. Trước đây, phần tự luận nếu không nắm chắc kiến thức sẽ không thể viết ra được đáp án. Nhưng với hình thức thi trắc nghiệm, giờ đây có một số câu các em chỉ cần hiểu kiến thức ở mức bình thường là có thể chọn được đáp án chính xác. Đây là điều kiện thuận lợi cho các em xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, ở mục tiêu xét tuyển ĐH, thầy Bình cho rằng đề thi chưa đáp ứng được yêu cầu vì dù không dễ đạt điểm tuyệt đối nhưng điểm thi ở mức khá và giỏi nhiều hơn và phổ điểm môn tiếng Anh sẽ cao hơn. Có nhiều chỗ đáng lẽ đòi hỏi kiến thức sâu hơn thì đề chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải. Năm trước là 3 bài đọc với 30 câu hỏi, nhưng giờ 3 bài đọc chỉ với 20 câu hỏi nên HS dư sức làm được bài. “Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT cần tăng thêm những câu rất khó để đánh giá được những HS mạnh về ngoại ngữ. Bởi trong đề minh họa chỉ khoảng 10 câu như vậy. Tôi nghĩ cần tăng thêm 5 câu khó hẳn”, thầy Bình nói.
Hạn chế “mưa” điểm 10
Đối với môn toán, thầy Nguyễn Tấn Kiệt (Tổ trưởng môn toán Trường THPT Nhân Việt) đánh giá: Đề ra theo đúng định hướng và có sự phân chia khá rõ rệt. Từ câu 1 đến câu 30 hoàn toàn là kiến thức cơ bản, có nhiều câu chỉ cần dùng máy tính cầm tay là có đáp án, HS có thể đạt 5-6 điểm dễ dàng. Từ câu 31 đến câu 40 là dành cho HS khá, các em cần có kỹ năng tính toán, hiểu đề tốt. Các câu còn lại xen giữa vận dụng thấp, vận dụng cao, có cả câu kết hợp giữa kiến thức lớp 11 và 12, đòi hỏi các em phải nắm vững mới làm được bài. So với đề chính thức 2017, đề minh họa 2018 mức độ khó hơn và cũng không ra phần giảm tải. Thầy Kiệt cho rằng, với mức độ ra đề theo định hướng này, cả HS và GV sẽ cảm thấy nặng nề và áp lực vì phần kiến thức lớp 11 hầu như không liên quan tới lớp 12, nhất là đại số và giải tích. Nếu đề thi chính thức ra phần kiến thức lớp 12, chỉ yêu cầu thí sinh vận dụng công thức của lớp 11 để giải toán thì sẽ nhẹ nhàng hơn. Và các GV cần lên kế hoạch ôn tập ngay từ bây giờ mới theo kịp tiến độ, không phải chạy nước rút về sau.
Ở đề thi môn hóa, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du) cho rằng đề mang tính phân hóa rõ rệt, gồm 28 câu chương trình lớp 12 và 12 câu chương trình lớp 11, chắc chắn chọn lọc được HS giỏi. Thể loại câu hỏi ra đa dạng, mức độ khó tăng dần từ điểm 7 đến điểm 10. Tuy nhiên, để đạt điểm 9-10 là rất khó, tránh được hiện tượng “mưa” điểm 10 như năm 2017. Nội dung ra đề bao quát, hay, làm cho người học phải tích cực nhiều hơn trong việc tự học, tự rèn và cũng phải dành thời gian cho việc học thêm mới có cơ hội vào ĐH. Tuy nhiên, do lượng kiến thức ở chương trình lớp 11 chiếm 3 điểm nên sẽ gây khó khăn lớn cho việc ôn tập với các trường có điểm tuyển đầu vào thấp. 12 câu ở nội dung kiến thức lớp 11 trải dài toàn bộ chương trình nên GV khó định hình nội dung ôn tập cho các em. Trong khi đó, chương trình học đến hết tháng 5 mới kết thúc nên việc vừa ôn chương trình 12 và ôn trọn vẹn chương trình 11 là một việc không dễ vì HS và GV phải ôn nhiều môn cùng một lúc, chắc chắn sẽ gây áp lực lớn cho cả thầy và trò. So với năm 2017, mức độ khó của đề này có độ lệch điểm từ 2 đến 2,25 nên để đậu tốt nghiệp THPT cũng là một thách thức không nhỏ nếu các em chủ quan.
Ở môn sinh, thầy Phan Hải Nam (GV Trường THPT Thủ Đức) cho biết đề minh họa năm 2018 có độ khó tăng, kiến thức bao phủ toàn bộ chương trình lớp 11 và 12. Theo đó, đề gồm 40 câu và chỉ có 50 phút làm bài, trong đó có tới 17 câu đếm mệnh đề, độ khó lại tăng lên. Đây quả là một thử thách thực sự với các thí sinh dự thi năm 2018. Riêng môn địa, thầy Hoàng Kim Hồng (GV Trường THPT Trường Chinh) nhận xét: Với cách ra đề như vậy, HS được đánh giá khá toàn diện cả kiến thức, kỹ năng và kỹ năng vận dụng tri thức để giải thích các hiện tượng, sự vật địa lý. Điểm mới của đề là có vài câu yêu cầu HS phải vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn. Phần nội dung kiến thức lớp 11 không đòi hỏi HS phải ghi nhớ nhiều vì câu hỏi đã có sự gợi ý trả lời, các em dễ dàng chọn được đáp án phù hợp. |
Tương tự, ở đề thi môn lý, tổ vật lý Trường THPT Nhân Việt cũng phân tích: Nội dung đề thi chủ yếu là lớp 12 (34 câu chiếm 85%), lớp 11 có 6 câu (chiếm 15%). Các câu hỏi từ dễ đến khó, trong đó hiểu 30%, biết 30%, vận dụng thấp 30% và vận dụng cao 10%. Có 24 câu để xét điểm tốt nghiệp, HS trung bình khá có thể đạt 5 đến 6 điểm, HS giỏi thật sự mới có thể đạt trên 9 điểm. Những câu bài tập khó tập trung ở Dao dộng cơ, Sóng và Dòng điện xoay chiều. So với đề thi THPT quốc gia 2017, đề tham khảo năm nay có độ khó tương đương, HS phải có kế hoạch ôn tập sớm và luyện tập chăm chỉ mới mong đạt được kết quả cao.
Phát huy được tính sáng tạo
Đề môn sử được cô Nguyễn Thị Hồng Trang (GV Trường THPT Nguyễn Khuyến) đánh giá là hay hơn các năm trước, khoa học, ra đúng trọng tâm, đáp ứng yêu cầu phân hóa HS. Nội dung đề bao quát, bám sát chương trình SGK, có đầy đủ các mức độ nhận thức nhằm phân loại HS. Các câu hỏi không đề cập đến những chi tiết nhỏ, tỉ mỉ gây khó cho HS. Đề gồm 40 câu, chủ yếu tập trung ở chương trình lớp 12 với 32 câu, chiếm 80%; chương trình lớp 11 có 8 câu, chiếm 20%. Nội dung phần lịch sử thế giới có 12 câu, chiếm 30%; lịch sử Việt Nam có 28 câu, chiếm 70%. Ưu điểm của phần nội dung kiến thức lớp 11 là nêu ra những vấn đề chính, vừa sức cho HS làm bài, chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản thì sẽ giải quyết dễ dàng.
Trong khi đó, đề thi môn GDCD được cô Nguyễn Thị Hồng Châu (Tổ trưởng tổ GDCD Trường THPT Lê Quý Đôn) khẳng định là ra tương tự như năm ngoái, sát với thực tế, phát huy tính sáng tạo của HS. Trong đó, có một số câu liên quan đến luật và đạo đức làm người, yêu cầu HS phải hiểu và ứng dụng vào thực tiễn mới làm được bài chứ không phải học thuộc lòng để đối phó. Tuy nhiên, ở một số câu hỏi, HS cần phải đọc và phân tích kỹ mới tìm được đáp án chính xác.
Ngọc Anh
Bình luận (0)