Thành công trong khởi nghiệp của giới trẻ nhiều khi phải trải qua… vấp ngã, thậm chí “trả giá đắt”. Thay vì ngồi loay hoay vấn đề về vốn, các bạn trẻ nên nghĩ cách tạo ra những dự án khởi nghiệp có sức hút mạnh đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp…
TS. Nguyễn Bá Hải đóng góp ý kiến tại một hội thảo bàn về khởi nghiệp do Bộ GD-ĐT tổ chức |
TS. Nguyễn Bá Hải (Trưởng khoa Khởi nghiệp và sáng tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) – người từng trong 10 phút thuyết phục được Thủ tướng Chính phủ đầu tư cả triệu đô la dự án sản xuất “mắt thần” cho người khiếm thị – đã có cuộc trao đổi thú vị với Giáo dục TP.HCM về câu chuyện khởi nghiệp trong giới trẻ nhân dịp xuân về.
Thất bại nếu thiếu bám sát thực tiễn
PV: Thưa anh, anh đánh giá như thế nào về tinh thần và khả năng khởi nghiệp của SV Việt Nam hiện nay?
TS. Nguyễn Bá Hải: Tôi đánh giá rất cao nhiệt huyết, sự năng động cũng như năng lượng mà SV Việt Nam dành cho khởi nghiệp. Phong trào và tinh thần tốt như vậy nhưng mặt khác, hoạt động khởi nghiệp của các bạn trẻ cần đi vào bản chất và có chiều sâu hơn. Các bạn cần lắng nghe hơi thở và nhu cầu thời cuộc hoặc tập trung vào việc tạo ra giá trị cho từng sản phẩm, dịch vụ của mình, tránh lan man. Tất nhiên còn nhiều khía cạnh quan trọng khác nữa, nhưng nhìn chung, theo thống kê của thế giới, khoảng 60% những người khởi nghiệp thất bại do làm những cái mà thực tiễn không cần.
Theo anh, thế mạnh và điểm yếu của SV, bạn trẻ Việt Nam trong khởi nghiệp là gì?
Điểm mạnh của SV nói riêng, giới trẻ nước ta nói chung khi khởi nghiệp là dễ vào cuộc, dễ thích nghi, dễ bắt đầu và nắm bắt thông tin, có sự quan tâm mạnh mẽ và dành rất nhiều năng lượng cho hoạt động khởi nghiệp. Điểm yếu như tôi đã đề cập, không riêng Việt Nam mà theo thống kê, có đến 60% số người khởi nghiệp trên thế giới đều làm ra những dịch vụ hay sản phẩm không sát nhu cầu thực tiễn dẫn đến thất bại. Ngay cả những trường hợp làm sản phẩm đúng nhu cầu cuộc sống thì lại làm… không tới nơi, thiếu sự tập trung cao độ để tạo ra chất lượng thật tốt. Việc không đi đến cùng khiến cho chúng ta không có sản phẩm đủ tốt để hấp dẫn hay phát triển.
Đặc biệt, nhiều bạn trẻ cho rằng thiếu vốn, điều kiện Nhà nước tạo ra chưa đủ để sức bật khởi nghiệp mạnh hơn nhưng tôi nghĩ trước hết bạn trẻ nên nhìn nhận lại bản thân mình. Nhiều khi chính các bạn chưa tạo được những sáng kiến, sản phẩm dịch vụ tốt, chưa tạo dấu ấn tới mức hấp dẫn các nhà đầu tư vào hỗ trợ. Trong khi dự án khởi nghiệp được nhà đầu tư, nhất là các đơn vị lớn, giàu kinh nghiệm hỗ trợ thì sẽ vượt qua dễ dàng được những vấn đề về vốn, tính pháp lý, hạ tầng…
Ngoài ra, đôi khi những nhà khởi nghiệp trẻ quá quan trọng ý tưởng của mình. Dù ý tưởng có quan trọng thật, nhưng trong thành công của khởi nghiệp, ý tưởng chỉ đóng vai trò 1% thôi, còn tới 99% là quá trình hiện thực hóa ý tưởng đó như thế nào để cho ra sản phẩm dịch vụ đàng hoàng.
Vậy làm sao để các em khắc phục được những hạn chế đó giúp việc khởi nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, thưa anh?
Có 2 cách để khắc phục, thứ nhất, các bạn trẻ phải chịu “trả giá” qua nhiều lần thất bại để tích lũy kinh nghiệm. Cuộc sống sẽ điều chỉnh chúng ta, ngay chính bản thân tôi cũng vậy, đâu có thầy cô nào dạy khởi nghiệp hay hướng dẫn mình phải làm gì, điều quan trọng là bản thân cần “chịu khó”… vấp ngã. Tuy nhiên, những bài học kiểu này hơi “đắt giá” và khá mất thời gian. Thứ 2, các bạn trẻ cần tăng cường tìm gặp, giao lưu với những người/đội nhóm khởi nghiệp khác nhau… để được chia sẻ nhiều thông tin hơn. Đặc biệt, bạn trẻ nên dành nhiều thời gian đọc sách, nhất là các sách về khởi nghiệp.
Từ đây, anh có thể định hướng những con đường để thanh niên Việt Nam khởi nghiệp?
Khởi nghiệp được chia làm 2 dạng. Thứ nhất, người khởi nghiệp mở ra một cái gì đó hoạt động không mang tính mới mẻ cao, sáng tạo không đáng kể, không dựa vào việc phát triển nền tảng công nghệ nhiều. Dạng thứ 2 sáng tạo ở một tầm mức lớn hơn, tác động và có thể thay đổi cơ bản phương thức làm việc, tiêu dùng… của con người. Sáng tạo nhiều, rủi ro khi làm nghiên cứu sẽ cao nhưng nếu thành công, lợi nhuận cũng sẽ có sức phát triển rất mạnh. Bạn trẻ có thể chọn một trong 2 cách tùy theo sức và thế mạnh của mình.
Hiện ở Việt Nam, nhiều SV có chọn khởi nghiệp bằng những cái mới, khó nhưng đôi khi quá khó dẫn đến dang dở, làm không xong. Một bộ phận khác chọn những cái quá dễ, không mới, có tính lặp lại cái trước. Cách này nếu không hiệu quả sẽ mất thời gian. Số người chọn làm cái khó mà hiệu quả quá hiếm.
Hiện Bộ GD-ĐT đang dự kiến đưa nội dung khởi nghiệp vào giảng dạy trong nhà trường, theo anh, chương trình giảng dạy cần chú trọng điều gì để thực sự khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh – SV thay vì các em chỉ xem đó như là một… môn học?
Trường học hiện nay dạy rất nhiều môn học khác nhau. Để nâng cao chất lượng dạy học thì điều đầu tiên cần chú trọng chính là chất lượng giáo viên. Khởi nghiệp giống một trường kinh tế thực nghiệm, phải thực tiễn, đưa ra một sản phẩm phải có phản hồi ngay của người dùng chứ không như dạy kinh tế. Dạy khởi nghiệp có tính 2 mặt, một mặt gia tăng được cơ hội tương tác cũng như thông điệp về khởi nghiệp. Mặt khác, cần cẩn trọng, nếu không sẽ thành phong trào, càng không hay.
Cùng với đó, nhận thức của gia đình, nhà trường và xã hội đối với vấn đề khởi nghiệp vô cùng quan trọng. Ở nước ta hiện nay, một bộ phận giảng viên làm tư vấn, cố vấn cho doanh nghiệp song song với quá trình đi dạy thường phải chịu những cái nhìn không thiện cảm từ đồng nghiệp. Nhà nước cần có cơ chế thoáng, thông suốt để bảo vệ, nâng cao vai trò những người như giảng viên làm khởi nghiệp, nhất là những nhà giáo giỏi mà gắn liền được với doanh nghiệp, đưa được các sản phẩm ra ngoài doanh nghiệp, phù hợp với nhu cầu thực tế. Cần khen thưởng những giáo viên như vậy!
Cơ hội chỉ đến với người đã chuẩn bị tốt
Anh từng trong 10 phút thuyết phục được Thủ tướng Chính phủ đầu tư cả triệu đô la cho dự án sản xuất “mắt thần” dành cho người khiếm thị. Giới trẻ cần có những đột phá gì để có thể chớp được “cơ hội vàng” như vậy trong khởi nghiệp?
Trước khi được gặp Thủ tướng, tôi đã làm dự án “mắt thần” cho người khiếm thị suốt 4 năm trời. SV cũng vậy, cần phải làm và làm tốt những gì mình đang theo đuổi để khi cơ hội đến thì sẵn sàng chớp lấy. Cơ hội chỉ đến với những người đã chuẩn bị chu đáo. Nếu thần tài qua nhà bạn nhưng bạn chưa sẵn sàng mở cửa đón tiếp thì sẽ mất ngay cơ hội.
Anh có đề xuất gì để hoạt động khởi nghiệp được đẩy mạnh hơn nữa trong giới trẻ tại một thành phố trẻ và năng động như TP.HCM?
Theo tôi, cần tạo ra nhiều cán bộ của hệ thống quản lý Nhà nước ở cấp thành phố, các trường, viện phải gần gũi và tạo điều kiện hơn nữa cho những nhà khởi nghiệp. Đơn cử như có thể nghiên cứu phương án miễn, giảm thuế cho những người khởi nghiệp chẳng hạn. Có nhiều cách để làm, không nhất thiết phải hỗ trợ tiền. Chỉ hỗ trợ kinh phí, tiền bạc trong trường hợp xấu nhất và đôi khi đó là con dao hai lưỡi vì làm thui chột ý tưởng cũng như mọi động lực kiếm tiền của họ, họ dễ chỉ tập trung vào việc tiêu tiền mà xao lãng khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, tất cả những gì liên quan đến nghiên cứu khoa học phải tạo ra kết quả theo các chuẩn mực thế giới hoặc phải đưa vào cuộc sống ứng dụng qua những sản phẩm thực tế. Tránh trường hợp nghiệm thu xong cất vô tủ, những trường hợp như vậy cần “đòi nợ” lại hết. Có thể chọn cách nghiệm thu theo phần, phần nào được thì nghiệm thu, nếu không sẽ nguy hiểm vì mọi người làm xong bỏ vào kho gây lãng phí. Nghiên cứu khoa học phải gắn liền với phong trào khởi nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn TS. Nguyễn Bá Hải!
Thục Trân
Bình luận (0)