Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Để không chọn nhầm nghề, nhầm trường

Tạp Chí Giáo Dục

Trước 7 nhóm ngành với hàng trăm ngành nghề đào tạo, mỗi mùa tuyển sinh, thí sinh lại như lạc vào ma trận.

Làm thế nào để chọn được đúng nghề?. Ảnh: Diệp An

Làm thế nào để chọn được đúng nghề?. Ảnh: Diệp An

Chọn học nhầm nghề

Sau một học kỳ, Nguyễn Duy Dũng, sinh viên năm thứ nhất một trường đại học (ĐH) kỹ thuật ở Hà Nội, thấy hoang mang với lựa chọn ngành đang học. Môn Toán quá khó so với lực học của Dũng. Có thời gian, Dũng bị stress vì không hiểu bài, không theo kịp các bạn trên lớp. Hơn nữa, dù lựa chọn ngành Logistics nhưng Dũng chưa hình dung được ra trường sẽ làm công việc cụ thể như thế nào.

TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng (CĐ) Cơ điện Hà Nội, cho rằng, nhiều thí sinh được người thân định hướng, tư vấn tốt nên lựa chọn được ngành nghề, trường học phù hợp với năng lực cá nhân và các điều kiện khác, nhưng cũng không ít thí sinh lựa chọn nhầm do chưa hiểu bản chất của nghề mình học. Theo ông, không hiếm trường hợp chọn trường để học nhưng lại không biết trường đó thương hiệu thế nào, thành tích đào tạo ra sao, sau khi tốt nghiệp có dễ kiếm việc làm không…

Ông Ngọc nhận xét, những năm gần đây, số lượng trường ĐH, CĐ công lập, tư thục và liên doanh với nước ngoài mở ra rất nhiều, nhưng một số trường mới không thể dễ dàng hoàn thiện nguồn lực con người, cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình, kinh nghiệm đào tạo, các dịch vụ cho người học trước – trong – sau khi tốt nghiệp… “Như vậy, nếu thí sinh thiếu thông tin về nghề, về trường thì sẽ bị thiệt thòi hơn so với các bạn chọn được nghề, trường có thương hiệu và chất lượng cao. Đã đến lúc, công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp phải được đẩy mạnh và chuyên nghiệp hơn, giúp thí sinh luôn chủ động, biết cách thích ứng với biến động của thị trường lao động”, ông nói.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng, nhiều trường phổ thông tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp vẫn còn mang tính hình thức, lấy lệ. Theo ông Lâm, các trường có thể làm công tác này bằng hai hướng – theo chương trình hướng nghiệp của Bộ GD&ĐT và cách riêng của trường phù hợp với học sinh. Mấy năm nay, Ban giám hiệu trường THPT Đinh Tiên Hoàng đưa hoạt động khởi nghiệp vào nhà trường. Tham gia hoạt động này, học sinh có trải nghiệm thực tế về ngành nghề cụ thể. “Ở các trường có đầu vào tốt, học sinh vốn đã có nền tảng, có ý thức, có mục tiêu từ sớm. Nhưng ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng, phần lớn học sinh chỉ học cho qua. Chính vì vậy, hằng năm, trường đều làm một chuyên đề riêng với nội dung thay đổi bản thân để sống tốt hơn, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp”, ông nói.

Ðừng quên bản thân muốn gì

GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, cho hay, công tác tuyển sinh là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số một của toàn trường. Trên cơ sở đó, hoạt động tư vấn tuyển sinh được nhà trường đẩy mạnh, với nhiều hình thức linh hoạt, phong phú như kết hợp với mạng xã hội, báo đài, website… Ngoài ra, trường xây dựng cổng thông tin tuyển sinh trực tuyến; ký kết hợp tác với trường THPT trọng điểm về các nội dung liên quan tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp; đồng thời hỗ trợ đào tạo, tham quan hướng nghiệp, trao học bổng hỗ trợ cho học sinh…

Chia sẻ với học sinh tại một buổi tư vấn, TS. Lê Thị Thanh Mai, ĐH Quốc gia TPHCM, nêu quan điểm về nguyên tắc chọn ngành nghề tương lai. “Kết thúc bậc THPT, người học cần phải xác định bản thân mình muốn làm gì trong tương lai, để làm công việc đó thì phải học ngành gì, để học ngành đó, có trường nào đào tạo, điều kiện tuyển sinh của các trường ra sao. Từ các bước chọn ngành nghề này, thí sinh cần xem lại năng lực của mình với yêu cầu, điều kiện tuyển sinh mình có đáp ứng được hay không và những tiêu chuẩn còn thiếu. Nếu thiếu về năng lực học tập thì cải thiện năng lực học tập, thiếu kỹ năng thì phải rèn luyện trong quá trình học phổ thông”, bà Mai nói.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, mỗi ngành nghề đòi hỏi những tố chất nhất định phù hợp với đặc thù công việc. Như vậy, bên cạnh năng lực học tập của mình, thí sinh phải hiểu được chính mình và biết cách khám phá bản thân xem phù hợp với những nghề nào, từ đó có sự chọn lựa phù hợp.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)