Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Đẻ không đau” – Nên hay không?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhiều thai phụ muốn con mình sinh ra theo lối sinh thường, nhưng bản thân lại vô cùng lo sợ những cơn đau đẻ (có thể do nghe từ người khác kể lại, hoặc cũng có thể có kinh nghiệm từ lần sinh trước). Chính vì vậy, hiện có rất nhiều bà mẹ quan tâm đến phương pháp “đẻ không đau”. Vậy thế nào là “đẻ không đau” và ai không nên áp dụng phương pháp này?

Thế nào là “đẻ không đau”?

Kỹ thuật “đẻ không đau” là phương pháp gây tê ngoài màng cứng, tức là tiêm thuốc gây tê vào cùng cột sống ở thắt lưng (vùng này chứa các dây thần kinh chi phối các cảm giác đau từ vùng bụng trở xuống). Nhờ tác dụng của thuốc tê, các cơn co tử cung vẫn xảy ra đều đặn và thúc đẩy cuộc chuyển dạ nhưng sản phụ sẽ không có cảm giác đau đớn. 
Ở Việt Nam, kỹ thuật sinh này đã được ứng dụng thành công tại nhiều bệnh viện. Phương pháp này có ưu điểm là giúp sản phụ tiết kiệm sức để rặn đẻ tốt hơn vì không phải trải qua những cơn chuyển dạ đau đớn. Thuốc tê có thể kéo dài để giảm đau sau đó nhiều giờ, và không ảnh hưởng đến em bé vì nó không qua nhau thai. 
Trong quá trình sinh nở, nếu sản phụ không thể tự sinh thường thì bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ để an toàn cho cả mẹ và con. Khi phải sinh mổ, chỉ cần thêm liều thuốc tê qua đường truyền để giảm đau trong lúc mổ.  
 Thực hiện kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng tại Bệnh viện đa khoa Bắc Giang.
Ai không thể dùng phương pháp “đẻ không đau”? 
Để thực hiện một ca đẻ không đau, bác sĩ sản khoa sẽ phải khám thật chi tiết cho sản phụ để biết về tiểu sử bệnh lý, tình trạng chuyển dạ, tình trạng cơn co và xem có phù hợp với phương pháp sinh này không. 
Phương pháp sinh này phù hợp với các sản phụ có các bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim…, nhưng lại không được áp dụng cho các sản phụ có bệnh lý liên quan đến cột sống, rối loạn đông máu hoặc đang có tình trạng nhiễm trùng…
Các tác dụng phụ có thể gặp 
Khi áp dụng phương pháp sinh thường không đau, một số sản phụ có thể gặp trạng thái chóng mặt, ớn lạnh hay lạnh run, buồn nôn, nôn hay khó vận động chân ngay sau khi tiêm thuốc. Một số trường hợp có thể bị nhức đầu nhẹ, đau lưng trong thời kì hậu sản. Nhưng các triệu chứng này không nguy hiểm và sẽ tự hết sau vài giờ. Hiếm hơn, một số người có thể có cảm giác lạ vùng mông, đùi (như kiến bò, rát bỏng) trong thời gian ngắn hậu sản và sau đó sẽ tự khỏi.
Theo Bác sĩ Lê Mai Phương
(Sức Khoẻ & Đời Sống)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)