Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Để không mang việc về nhà

Tạp Chí Giáo Dục

Khi thế giới trở nên liên đới chặt chẽ với nhau hơn, việc phân tách giữa công việc và đời sống riêng tư ngày càng trở nên khó khăn. Nhiều người mong muốn bỏ công việc lại công sở sau giờ hành chính, nhưng dường như không phải ai cũng làm được.

Mặc dù có một số việc yêu cầu rõ ràng người làm phải liên tục ở tư thế sẵn sàng, có nhiều người biết kết thúc dứt điểm mọi việc khi hết giờ, nhưng nhìn chung, đa số chúng ta đều cảm thấy khó khăn trong việc nên vạch ra ranh giới giữa công việc và cuộc sống ở đâu, khi nào, và thậm chí là có nên làm như thế hay không.
Và đây là 3 câu hỏi có thể giúp bạn đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống một cách phù hợp nhất với mình.

1. Bạn đang làm gì?

Việc quan sát thật kỹ những thói quen làm việc hàng ngày của bạn có thể đưa tới các kết quả rất bất ngờ. Có thể, bạn đang dành quá nhiều thời gian vào trạng thái làm việc nửa vời không thực sự hiệu quả như bạn vẫn tưởng.
Trong một tuần, bạn hãy theo dõi tất cả những hoạt động có liên quan đến công việc của mình, bao gồm cả những việc dường như không đáng kể. Hãy kể hết và trung thực. Bạn có kiểm tra điện thoại trong phòng thay đồ ở chỗ tập thể dục ngay khi có tin nhắn của đồng nghiệp không? Bạn có để laptop ngay cạnh giường ngủ để có thể vùi đầu vào nó ngay khi mở mắt vào sáng hôm sau không?
Bất cứ lúc nào bạn dành quá nhiều thời gian để nói, hoặc thậm chí chỉ là nghĩ về những vấn đề của công việc đều không phải là thời gian không làm việc – đó chưa phải là nghỉ ngơi thực sự. Sự mệt mỏi như là hệ lụy của trạng thái không dứt khỏi công việc này sẽ tạo ra hậu quả rất lớn, nó khiến bạn làm việc thiếu hiệu quả trong giờ làm việc chính thức và cần có thêm thời gian để hoàn thành công việc phải giải quyết.
2. Tại sao bạn làm vậy?
Duy trì phần nào đó tâm thế sẵn sàng lúc trước và sau ngày làm việc chính thức có thể được xem như khía cạnh có thể chấp nhận trong công việc. Nhưng với nhiều trường hợp, trách nhiệm tăng thêm này là tình trạng tự nảy sinh trong ý thức, nó xuất hiện không phải do đòi hỏi của công việc, mà chỉ vì lòng kiêu hãnh trong bạn, bạn muốn được xem như một nhân viên tích cực. Cũng còn một động lực khác nữa là bạn sợ bị thua kém so với những đồng nghiệp chăm chỉ hơn.
Hãy nhớ rằng thói quen của bạn sẽ ảnh hưởng tới lối hành xử của người khác. Nếu bạn trả lời tin nhắn cho đồng nghiệp ngay vào lúc sáng sớm, điều đó có thể khiến anh/cô ta tiếp tục gửi tin nhắn cho bạn sau này vào thời điểm ấy thay vì hỏi người khác hay giữ lại câu hỏi chờ tới lúc đi làm.
Nếu bạn không chắc về việc người khác muốn gì ở bạn, hay bạn muốn được tiếp cận như thế nào sau giờ hành chính, hãy trao đổi vấn đề này với sếp. Bạn sẽ biết, sếp bạn được nghỉ ngơi và lấy lại năng lượng triệt để giữa các ngày làm việc hơn là bạn cứ luôn cố gắng duy trì trạng thái liên tục làm việc không ngơi nghỉ như vậy.
3. Đâu là ưu tiên lớn nhất của bạn?
Ai cũng muốn được hưởng thụ cuộc sống riêng tư thư thái và một sự nghiệp đem lại những thành quả tích cực. Bạn hoàn toàn có thể đạt được cả hai điều ấy. Nhưng để có được sự cân bằng hiệu quả nhất, hãy tự hỏi mình câu hỏi, với bạn, điều gì là quan trọng nhất. Câu trả lời có thể thay đổi theo thời gian khi sự nghiệp cũng như đời sống riêng tư của bạn có những biến chuyển. Các ưu tiên của bạn có thể thay đổi khi bạn bắt đầu có gia đình hoặc gắn với một nghề nghiệp có những thử thách gắt gao hơn.
Nếu bạn đam mê công việc, đừng loại bỏ những khả năng bạn trở thành người quá ôm đồm mọi thứ. Với bạn, bản thân công việc có thể đã là phần thưởng. Nếu bạn cứ luôn xóa nhòa ranh giới giữa công việc và cuộc sống, việc dành cho mình những kỳ nghỉ ngơi thực sự (không mang theo máy tính) có thể coi là cách quan trọng để ngăn ngừa tình trạng quá tải.
Sau khi xem xét lại thói quen làm việc, bạn hãy trao đổi mong muốn của mình với sếp và nói rõ các ưu tiên của bạn, bắt đầu điều chỉnh những ranh giới bao quanh công việc. Để làm được thế, bạn cần có quá trình luyện tập. Có thể bạn sẽ phải chịu đựng cảm giác tội lỗi hoặc thậm chí nhàm chán khi thử bắt đầu không kết nối với công việc và đồng nghiệp.
Thiết lập những nguyên tắc đơn giản nhất để giúp bạn tuân thủ tốt hơn kế hoạch thực hiện của mình. Chẳng hạn, bạn có thể không check email sau 7 giờ tối hoặc hoàn toàn offline vào những ngày cuối tuần. Bạn cần trao đổi về thay đổi này với sếp trước khi thực hiện. Cũng cần nhấn mạnh rằng bạn đang muốn tìm cách bảo vệ hiệu quả và năng suất làm việc chứ không muốn rũ bỏ trách nhiệm.
Nếu công việc của bạn yêu cầu không được tắt điện thoại, bạn cần có cách nào đó để mọi người có thể liên lạc với bạn trong trường hợp khẩn cấp. Bằng cách đó, bạn hoàn toàn có thể yên tâm và không cần kiểm tra email nữa.
Sẽ thật lý tưởng khi việc giữ cho mình những khoảng thời gian riêng tư theo một cách thông minh sẽ giúp bạn không chỉ có thể bắt đầu tận hưởng thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, mà còn khởi động hứng thú hơn khi trở lại công việc. Và chẳng bao lâu, bạn sẽ thấy sự nghiệp và cuộc sống của bạn bắt đầu bổ trợ cho nhau, chứ không phải luôn tranh giành nhau quỹ thời gian của bạn.
Theo Đỗ Dương
Dân trí

Bình luận (0)