Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Để không thể “đói ăn vụng, túng làm liều”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Xuyên suốt các báo cáo và ý kiến thảo luận trong lĩnh vực tư pháp tại nghị trường Quốc hội ngày 21-11 là nỗi âu lo tình trạng tội phạm tham nhũng, chức vụ bị phát hiện (tính từ ngày 1-10-2022 đến ngày 30-9-2023) tăng 51,63% về số vụ, tăng 96,85% số đối tượng.
Đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng gần 347% so với cùng kỳ báo cáo trước. Kết quả này minh chứng rằng công cuộc chống “giặc nội xâm” ngày càng hiệu quả hơn và “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Song báo cáo cũng chỉ ra thực trạng tội phạm ở một số lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế… còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thời gian qua, nhiều vụ án kinh tế lớn bị phanh vui, các vụ việc tham nhũng có sự tiếp tay của nhiều quan chức cũng bị bóc gỡ.
Phiên họp Quốc hội ngày 21-11
Vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là một trong những vụ án điển hình về sự vi phạm, xuống cấp đạo đức công vụ của một số cán bộ ngân hàng, thanh tra khi được giao thanh tra, giám sát Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Hàng loạt cán bộ bị cáo buộc nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bỏ qua sai phạm của SCB. Đáng kể, trường hợp bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II “mạnh tay” nhận số tiền mặt đặc biệt lớn, 5,2 triệu USD. Đây là điều đáng buồn cho các lực lượng chủ lực trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
“Vũ khí” của loại tội phạm kinh tế chủ yếu là tiền. Nếu không giữ được sự liêm chính, lập trường, cộng với lòng tham thì đội ngũ thực thi công vụ rất dễ bị mua chuộc, khống chế và thao túng. Vụ việc xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho thấy nhiều điều cần suy ngẫm, đó là vấn đề chức năng quản lý nhà nước, quản lý cán bộ có chức, có quyền trong bộ máy, kiểm soát quyền lực của những người có chức, có quyền. Nếu bị xem nhẹ, người thực thi công vụ sẽ xem chốn công quyền là mảnh đất màu mỡ để vun vén lợi ích cá nhân.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần thực hiện đồng bộ giải pháp: phòng ngừa, phát hiện và xử lý, trong đó phòng ngừa là cơ bản; thực hiện phòng chống cả đưa, nhận và môi giới hối lộ, trong đó trọng tâm là chống nhận hối lộ. Trong quy trình thực thi công vụ, cần xóa bỏ triệt để cơ chế xin – cho; cải cách chế độ tiền lương để cán bộ, công chức đủ sống và giữ được sự liêm chính, tránh tình trạng “đói ăn vụng, túng làm liều”. Cùng đó, có cơ chế giám sát trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu một số cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục đẩy mạnh, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước và việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức. Thiết lập nhiều kênh thông tin, hình thức khuyến khích, động viên người cung cấp thông tin có giá trị, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chẳng hạn như cách làm của Thành ủy TPHCM mới đây khi ban hành Quy định về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TPHCM.
Trong bối cảnh hiện nay, tăng cường công tác giáo dục, đề cao tính liêm chính của cán bộ là việc làm cấp thiết; song phẩm chất tốt đẹp này cần được nuôi dưỡng trong môi trường pháp luật tốt, theo nghĩa đủ chặt chẽ và nghiêm khắc để họ không dám và không thể tiêu cực hoặc không cần tiêu cực.
ĐỖ TRUNG (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)