Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đề kiểm tra độc của thầy

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu ở tiểu học học sinh rất ý thức về rèn luyện chữ viết thì càng lên cấp học cao hơn, các em càng ít chú trọng rèn chữ cũng như quan tâm về các yêu cầu sử dụng tiếng Việt…

Học sinh tiểu học trong một giờ rèn chữ viết – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nét chữ, nét người

Trong một lần nói chuyện, cố GS-NGND Hoàng Như Mai – Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM – cho rằng: “Thầy cô dạy văn là dạy làm người. Đó là mục đích lâu dài và khó khăn. Nhưng trước hết hãy rèn cho học sinh viết chữ, vì nét chữ là nét người”.

Câu nói của thầy Mai làm tôi nhớ lại bài kiểm tra môn văn của thầy tôi hồi tôi học lớp 10 ở trường huyện. Bài kiểm tra được cho ngay tiết học đầu tiên khi chúng tôi mới bỡ ngỡ từ lớp 9 lên. Đề bài gồm 2 câu: Câu 1, thầy đọc cho chúng tôi ghi 10 câu thơ đầu trong Truyện Kiều, và câu 2 là yêu cầu viết một lá đơn xin phép với một lý do phù hợp. Sau đó thầy trả bài kiểm tra và nhận xét. HS nào cũng nghĩ rằng điểm sẽ cao vì đề quá dễ. Thế nhưng bài kiểm tra ấy chỉ một người được điểm 5, còn lại dưới trung bình. Có quá nhiều lỗi được thầy phân tích: trình bày không đúng quy cách của văn bản (một đoạn thơ lục bát và một văn bản hành chính), chữ viết không đúng quy cách chính tả (viết thường, viết hoa…). Một điểm làm tôi nhớ nhiều nhất là thầy bảo rằng những bài làm viết chữ quá kém, khó đọc là thầy không chấm, đồng nghĩa với điểm 0. Bởi vì như thế là không có sự ý thức về giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt, thiếu sự tôn trọng với người đọc.

Càng lớn, càng viết ẩu

Tôi có một người bạn là giáo viên (GV) THCS dạy môn tiếng Anh kiêm công tác chủ nhiệm lớp 8. Hôm đến nhà chơi, tôi thấy một chồng vở cô bạn thu để về nhà chấm. Tôi tò mò lật ra xem. Từng cuốn tập được bao bọc, dán nhãn cẩn thận. Mỗi bài học đều ghi ngày tháng đầy đủ, các đề mục đều được ghi bằng màu mực riêng… Đặc biệt nhất là chữ viết. Những nét chữ tròn trịa, đều đặn, ngay ngắn, cẩn thận và sạch sẽ… Bao nhiêu năm dạy học khối THPT, chấm thi tốt nghiệp, rồi tuyển sinh ĐH, CĐ, điều tôi buồn nhất là chữ viết. Thế mà sự cẩn thận và ý thức về chữ viết của các cô cậu lớp 8 đã dấy lên trong tôi niềm vui nho nhỏ. Xóa tan phần nào những định kiến cố hữu bi quan rằng học sinh (HS) thời nay ý thức kém về chữ viết. Bạn tôi cũng đồng ý cho rằng HS bậc THCS viết chữ tốt hơn khi lên đến THPT.

Ngoại trừ số ít những HS khi lên bậc THPT có chữ viết đẹp do có ý thức, phần lớn HS còn lại có chữ viết cẩu thả, phá cách, mất chuẩn, rất khó đọc…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình này. Thứ nhất, về phía GV. Càng ở cấp học cao, GV càng ít chú trọng đến chữ viết. Ngay cả việc trình bày bảng, hầu như GV không ghi ngày tháng, ngay cả số tiết phân phối chương trình cũng có mấy người ghi. Nhan đề bài học thì nhiều khi bị biến tấu, ghi không đúng chuẩn. Một chi tiết nhỏ là đề mục chữ số La Mã cũng không được ý thức viết in hoa… Hầu hết GV đều quan niệm rằng chất lượng bài giảng là quan trọng, cốt yếu HS hiểu và làm bài tốt là được.

Về phía học trò, do ý thức cá nhân phát triển hơn nên muốn tạo ra sự phá cách, thể hiện một cá tính riêng của mình vì thế chữ viết ngày càng lệch chuẩn. Có cách nói thật hài hước trước đây, chẳng hạn khi thấy chữ viết của một HS quá kém, người ta hay nói “chữ của bác sĩ”. Ngày trước, nội dung bài học chủ yếu ở tập ghi bài, HS ghi nhiều. Ngày nay với quá nhiều “công cụ trợ giúp” như tài liệu, sách tham khảo, bài học qua mạng… nên HS ít phải viết hơn. Nếu trước đây nhiều học trò có sổ tay riêng để ghi thơ, ghi nhạc và cuối năm đua nhau viết lưu bút, thì ngày nay tình hình đã khác hẳn, mọi thao tác đều nhờ vào công nghệ bàn phím… Chính vì thế tính thẩm mỹ của chữ viết, sự ý thức về sử dụng ngôn ngữ trong HS mai một đi ít nhiều.

Trần Ngọc Tuấn

(TNO)

Bình luận (0)