Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đề kiểm tra “gây sốc” là do không làm đúng quy trình

Tạp Chí Giáo Dục

ThS. Trần Lê Duy – giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng việc còn những đề kiểm tra "gây sốc" cho học sinh đều xuất phát từ lý do… không đúng quy trình.


Chương trình GDPT 2018 hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

Theo ThS. Trần Lê Duy – có 3 lỗi sai tiêu biểu vẫn còn đang tồn tại trong các đề kiểm tra đánh giá học sinh hiện nay theo Chương trình GDPT 2018, đó là: 

– Chọn văn bản không tiêu biểu. Ví dụ, khi hỏi văn bản nghị luận nhưng giáo viên lại chọn văn bản "lai" giữa văn bản nghị luận và thông tin.

– Không đáp ứng yêu cầu cần đạt. Khi nhìn vào đề kiểm tra không biết được rằng câu hỏi đó nằm ở trong yêu cầu cần đạt nào của chương trình đối với khối lớp đó. 

– Chọn ngữ liệu không tính đến tính vừa sức với học sinh, hoặc là quá dài không tương xứng với thời gian học sinh thực hiện.

Nhìn lại quá trình đổi mới kiểm tra đánh giá ở môn học, ThS. Duy cho rằng, tình trạng các đề kiểm tra ra chưa phù hợp như trên "gây sốc" cho học sinh đều xuất phát từ lý do… không đúng quy trình.

"Quy trình ra một đề kiểm tra sẽ là giáo viên phải căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình để ra ma trận, ma trận phải cân nhắc với thời gian học sinh làm, độ vừa sức và độ phân hoá. Tức là giáo viên phải ra ma trận trước, sau đó mới ra đề kiểm tra, chọn ngữ liệu phù hợp. Thế nhưng, nhiều trường lại ra đề trước, rồi mới "đẻ" ra ma trận… Điều này dẫn đến việc không kiểm soát được độ khó của đề, không kiểm soát được việc đề ra có vừa sức với học sinh hay không, có đúng với chương trình hay không" – ThS. Duy phân tích.

Nêu ví dụ về việc thực hiện đúng quy trình thì sẽ có đề kiểm tra phù hợp, ThS. Duy cho biết, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) dù là trường chuyên song đề kiểm tra lại rất gợi mở, độ khó vừa sức. Học sinh không dễ dàng lấy được điểm cao chót vót song cũng không đòi hỏi quá nặng nề ở các em. Ngữ liệu trong đề mới, hay, đa số đều được lấy từ các đầu sách đã xuất bản, uy tín về mặt nguồn và được lựa chọn ở mức phải chăng.

Ông nhấn mạnh, với Chương trình GDPT 2018 việc kiểm tra đánh giá quy định 2 yêu cầu: Trước hết là nội dung kiểm tra – dạy gì thì kiểm tra đó; Thứ 2 là yêu cầu cần đạt sẽ đi cùng với mức độ tư duy tương ứng. Nếu yêu cầu nhận biết thì đề chỉ ra nhận biết, yêu cầu phân tích thì đề ra phân tích. Tức là độ khó phải tương đương với chương trình chứ người ra đề không thể tự ý nâng độ khó hoặc hạ độ khó được.

Giảng viên này đồng thời đặt vấn đề, tổ trưởng chuyên môn đóng vai trò cực kỳ quan trọng với việc ra đề kiểm tra đánh giá. Bởi tổ trưởng là người duyệt đề, chọn đề, phản biện đề; định hướng chung về chuyên môn cho tổ; phổ biến chuyên môn cho tổ sau khi đã được đi tập huấn; quyết định quy trình làm việc với các đề kiểm tra chung trong tổ. 

"Nếu tổ trưởng làm "tròn vai" vai trò của mình thì việc có những đề kiểm tra phù hợp, vừa sức với học sinh là không khó…" – ThS. Trần Lê Duy nêu vấn đề. 

Với khó khăn của giáo viên về việc chọn ngữ liệu để đưa vào đề kiểm tra, giảng viên này cho rằng, để chọn ngữ liệu "hay ơi là hay" thì khó nhưng để có được ngữ liệu tiêu biểu, chính xác để đưa vào đề thì không khó. Để có ngữ liệu tiêu biểu cho đề kiểm tra thì giáo viên chỉ cần vào thư viện là có thể tìm được.

"Nhiều giáo viên thường tìm kiếm ngữ liệu ở các nguồn… đâu đâu. Nhưng trên thực tế, ngay tại thư viện trường thầy cô hoàn toàn có thể tìm được ngữ liệu phù hợp. Để có ngữ liệu phù hợp thì thầy cô phải có sự chủ động. Đặc biệt là trong suốt quá trình thực hiện chuyên môn, thầy cô phải có thói quen đọc sách thường xuyên, khi thấy văn bản hay thì lưu lại. Bởi chính bản thân tác giả sách giáo khoa khi chọn ngữ liệu đưa vào sách cũng phải làm các bước này".

Cô Phạm Thị Bé Hiền – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết, đề kiểm tra các bộ môn phải luôn bám sát vào các quy định ma trận đề, đưa nội dung chương trình, mức độ vào đề cho phù hợp. Với học sinh đại trà thì mức độ đề phải ở mức độ đại trà. Trong ma trận cũng thể hiện rõ tỷ lệ này.

"Dù là học sinh trường chuyên nhưng việc kiểm tra môn chung dành cho đối tượng học sinh đại trà thì đề phải bám sát vào chương trình, ma trận, mức độ kiến thức phù hợp chứ không phải vì là đối tượng học sinh chuyên mà đề kiểm tra nâng chuẩn độ khó" – cô Hiền nói thêm.

Học sinh than "trường đang tranh giải trường ra đề khó nhất nhì thành phố"

Chương trình GDPT 2018 môn ngữ văn ở bậc trung học "trao quyền" cho giáo viên trong việc xây dựng đề kiểm tra với ngữ liệu tự chọn, không nằm trong sách giáo khoa. Đề kiểm tra không đặt nặng và đòi hỏi cao về mức độ ghi nhớ kiến thức của học sinh mà đi sâu vào đánh giá mức độ vận dụng, kỹ năng của học sinh. Điều này, so với Chương trình GDPT 2006 trước đây là "khác một trời một vực" khi chương trình cũ thì chú trọng kiểm tra, đánh giá kiến thức, ghi nhớ của học sinh. 

Điểm mới này, dù đã bước sang năm thứ 2 thực hiện ở bậc THPT và năm thứ 3 ở bậc THCS song vẫn khiến không ít giáo viên lúng túng, đến hẹn lại lên, vào mỗi đợt kiểm tra định kỳ vẫn xuất hiện những đề kiểm tra "gây sốc" cho học sinh.

Sau khi hoàn thành xong bài kiểm tra cuối học kỳ 2 môn ngữ văn, học sinh lớp 11 một trường THPT tại quận 3 than: "Em tưởng trường đang ra đề để tranh giải trường ra đề khó nhất, nhì thành phố" vì đề quá dài, quá khó. "Đề quá dài, ngữ liệu đọc thì lủng củng bản thân em và các bạn đọc thực sự không hiểu gì. Việc ra đề kiểm tra không phải là để đánh đố học sinh hay là tìm kiếm nhân tài mà chỉ là kiểm tra, đánh giá lại xem bản thân học sinh đã tiếp thu kiến thức bài học như thế nào, do vậy việc dạy một đằng ra đề một nẻo là không cần thiết và gây áp lực, mệt mỏi cho chúng em" – nữ sinh này bức xúc.

Tổ trưởng chuyên môn ngữ văn một trường THPT tại quận Phú Nhuận chia sẻ, việc ra đề kiểm tra thì tổ chuyên môn không thể tự ý ra đề khó hay dễ mà phải bám sát vào yêu cầu cần đạt và ma trận của đề. Mục đích của việc kiểm tra không chỉ đánh giá quá trình học tập của học sinh mà qua đó còn xây dựng môi trường học tập tích cực, khuyến khích sự phát triển toàn diện của học sinh, tạo động lực cho các em trong quá trình học tập. Do vậy, đề kiểm tra cần thiết kế vừa sức, song vẫn đảm bảo tính phân hoá. Nếu đề kiểm tra thiết kế vượt sức học sinh sẽ gây ra áp lực, căng thẳng cho các em trong việc học. 

Đánh giá về việc ra đề kiểm tra đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2018 tại TP.HCM trong thời gian qua, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận, còn tình trạng nhà trường thiết kế đề kiểm tra rồi mới ra ma trận để đối phó với Sở GD-ĐT. Do vậy, còn tình trạng đề ra vượt sức học sinh, không bám sát vào yêu cầu cần đạt… Ông cho biết, trong đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn trong hè này, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tập trung trọng tâm vào việc tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên về đổi mới kiểm tra đánh giá để đảm bảo đúng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. 

Yến Hoa 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)