Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Dễ “lạc đường” và mất cơ hội nếu chỉ sử dụng một phương thức tuyển sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2022, các trường đại học tiếp tục đa dạng các phương thức tuyển sinh song nhiều trường cũng có sự điều chỉnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thí sinh không tận dụng sự đa dạng và có sự tìm hiểu kỹ thì rất dễ lạc đường và mất cơ hội trúng tuyển


Các chuyên gia tư vấn trong chương trình

Nhưng nội dung hữu ích này được các chuyên gia tư vấn đưa đến thí sinh tỉnh Quảng Ngãi trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề- Sáng tương lai” được khai mạc sáng 22-1. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với ĐHQG TP.HCM, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, với sự đồng hành của nhiều trường ĐH, CĐ phía Nam.

Mất nhiều cơ hội khi sử dụng chỉ một phương thức xét tuyển

Thông tin sớm đến thí sinh tỉnh Quảng Ngãi về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, ThS. Lê Thị Thu Hà (ĐHQG TP.HCM) cho hay, về cơ bản kỳ thi vẫn giữ vững ổn định như năm 2021. Trong bối cảnh dịch bệnh, thí sinh nên trong tâm thế sẵn sàng. Tuỳ theo năng lực học tập chọn bậc học phù hợp.

Nhiều năm nay, các trường đại học đều đa dạng hoá phương thức tuyển sinh. Ngoài phương thức chung còn nhiều phương thức riêng phù hợp. Các phương thức tuyển sinh phổ biến bao gồm: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; Điểm thi tốt nghiệp THPT; Điểm xét tuyển học bạ; Điểm thi đánh giá ĐHQG Hà Nội, TP.HCM. Nếu thí sinh chủ quan sử dụng chỉ 1 phương thức sẽ mất nhiều cơ hội.  

Riêng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT, ThS. Hà cho biết thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng song cần luôn bám sát mục tiêu với ngành học mà mình mong muốn. Ở phương thức kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM, ThS. Hà thông tin hiện có hơn 60 trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển. Kỳ thi đánh giá năng lực có 2 bước, bước đầu thi và bước sau là tuyển. Hiện thí sinh mới đăng ký dự thi mà quên khâu xét tuyển.

ThS. Lê Thị Thu Hà cho hay, hiện nay với gần 800 ngành nghề, việc chọn được một nghề nghiệp lý tưởng cho bản thân không phải dễ dàng. Để chọn được, người học phải thoả mãn 3 điều kiện, như: điều mình đam mê, điều mình làm tốt và nhu cầu nhân lực. Nếu không tìm hiểu kỹ, rất dễ bị lạc đường.

“Trước khi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải xác định nghề nghiệp, tìm hiểu thật kỹ danh mục nghề nghiệp để lựa chọn phù hợp. Yêu thích ngành học quá cao, vượt qua khả năng học tập của bản thân thì các em có thể chọn học ngành gần vì các ngành học có sự giao thoa. Cạnh đó, coi sức học để chọn phương thức xét tuyển phù hợp; soi vào kinh tế gia đình vì để chọn trường học phù hợp với mức học phí, chương trình học. Đặc biệt, trước khi chốt hồ sơ nên vào website trường để ghi mã trường, mã ngành cho chính xác…”, ThS. Lê Thị Thu Hà khuyên.

Ở góc độ chuyên gia dự báo nguồn nhân lực- ông Trần Anh Tuấn khẳng định, nghề nghiệp nào cũng có thể làm giàu, nghề nghiệp nào cũng có thể thất bại nếu chọn sai, học không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao đọng.

Chuyên gia này nhìn nhận, tỉnh Quảng Nam nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Các nhóm ngành phát triển mạnh ở Việt Nam và Quảng Nam có thể kể đến như: Du lịch dữ lành khách sạn; Kinh tế thương mại, quản trị kinh doanh; Kinh doanh nông nghiệp, quản lý hành chính; Công nghệ đổi mới sáng tạo như CNTT, trí tuệ nhân tạo; Cơ khí cơ điện tử; Luật, ngôn ngữ, công tác xã hội; Y dược, điều dưỡng; Sư phạm; Khối ngành về văn hoá.

“Rất nhiều quan điểm về nghề nghiệp hiện đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Nghề nghiệp “giàu” không chỉ là thu nhập mà còn là sự hội nhập, trở thành công dân toàn cầu. Đại dịch covid chỉ thúc đẩy lao động chất lượng cao. Thị trường lao động hiện nay là thị trường của những người có nghề nghiệp, tiến tới cuộc CMCN 4.0. Các em cần tỉnh táo khi chọn lựa để phù hợp…”, chuyên gia Trần Anh Tuấn nhắn nhủ.

Nhiều trường thay đổi phương thức tuyển sinh

Dù cơ bản vẫn sử dụng những phương thức tuyển sinh phổ biến, truyền thống song mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học cho biết sẽ điều chỉnh về phương thức để chọn lựa được thí sinh phù hợp.

ThS. Trần Minh Tuấn (ĐH Kiến trúc TP.HCM) cho hay, năm 2022 trường có 5 phương thức tuyển sinh: Tuyển thẳng; Ưu tiên xét tuyển; Điểm thi đánh gía năng lực; Kỳ thi năng khiếu và Điểm thi tốt nghiệp THPT

“Điểm mới của phương thức tuyển sinh năm nay là với phương thức xét học bạ, nhà trường chỉ xét với thí sinh học trường chuyên, trường năng khiếu, không xét với thí sinh trường thường. Ở phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, trường chỉ sử dụng kết quả thi đợt 1. Thi sinh có thể chọn tất cả các phương thức nếu đủ điều kiện. Riêng thí sinh muốn xết tuyển ngành năng khiếu bắt buộc phải tham gia kỳ thi năng khiếu của trường vào đợt 1, không sử dụng kết quả thi năng khiếu của trường khác. Kỳ thi năng khiếu đợt 2 do trường tổ chức chỉ để cải thiện điểm năng khiếu thi sinh đã thi đợt 1. Thí sinh muốn xét tuyển vào trường buộc phải tham gia vào đợt 1 mới được xét tuyển”, ThS. Tuấn thông tin.

Trong khi đó, ThS. Bùi Thị Hoài (ĐH Luật TP.HCM) thông tin, năm 2022 ĐH Luật TP.HCM chỉ sử dụng 2 phương thức xét tuyển, bao gồm: tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Trong đó, tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển sẽ chiếm tối đa 35% tổng chỉ tiêu, áp dụng cho 3 nhóm đối tượng, bao gồm: Tuyển thẳng với thí sinh đạt giải HSG quốc gia Nhất, Nhì, Ba; Ưu tiên xét tuyển thẳng gồm thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: tiếng Anh/tiếng Pháp/tiếng Nhật; Thí sinh có kết quả thi SAT của Mỹ (Scholastic Assessment Test). Những chứng chỉ này nếu có quy định về thời hạn thì phải còn giá trị, dự kiến đến ngày 30-6-2022; Ưu tiên xét tuyển thẳng còn được áp dụng cho những thí sinh học tại các trường THPT chuyên, năng khiếu; Thí sinh học tại các trường THPT thuộc diện ưu tiên xét tuyển thẳng năm 2022 của ĐHQG TP.HCM.

Mùa tuyển sinh năm 2022, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ổn định 6 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; Xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển học sinh Giỏi; Xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn; Xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực; Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Dù vậy, riêng phương thức sử dụng kết qủa thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM, trường chỉ sử dụng kết quả thi đợt 1. Năm nay trường mở ra thêm 2 ngành học mới: Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Truyền thông số và thiết kế đa phương tiện. Đây là 2 ngành học hướng đến công nghệ trong quá trình chuyển đổi số. “Khi đăng ký nguyện vọng, các em nên tận dụng tất cả các phương thức xét tuyển để gia tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành”, ThS. Trần Duy Can (ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ.

PGS. TS Phan Thanh Hải (ĐH Duy Tân) nhận định, năm 2022 thách thức dịch bệnh sẽ là cơ hội để thí sinh lớp 12 chọn ngành, chọn trường. Vì thế, người học cần nghiên cứu kỹ thông tin để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Yến Hoa

Bình luận (0)