Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Để làm bài thi ĐH đạt điểm cao

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tuần này, thí sinh (TS) sẽ bước vào đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Dưới đây là những gợi ý ôn tập từ các giáo viên nhiều kinh nghiệm nhằm giúp TS tự tin hơn khi làm bài.

Môn Toán: Thực hiện nguyên lý “3 Đ”

Nguyên lý này được cô đọng và theo thứ tự: "Đúng – Đủ – Đẹp".

Giáo viên hướng dẫn ôn thi môn Hóa tại một trung tâm luyện thi ở TP.HCM – Ảnh: Đ.N.T

Đúng chiến lược làm bài: Thực hiện theo chiến thuật: "Hết nạc vạc đến xương", tức là câu quen thuộc hoặc dễ làm trước, câu khó làm sau. Nếu câu khó thì bỏ qua, không làm ra hoặc làm sai thì nguy cơ trượt ĐH không lớn (bạn chỉ thua rất ít người làm được câu khó), nhưng nếu câu dễ mà không giải được, làm sai, làm không đến nơi đến chốn thì bạn rất dễ trượt (vì bạn sẽ thua hàng vạn người làm được câu dễ). Đúng đáp số: Nếu bài làm có đáp số đúng, bố cục ổn thì giáo viên chấm lần 1 có thể cho điểm tối đa và đánh ký hiệu để dễ thống nhất điểm với giáo viên chấm lần 2. Nếu đáp số sai thì thường giáo viên sẽ tìm điểm sai gần nhất để chấm cho nhanh. Vì vậy đúng đáp số là rất quan trọng, thậm chí có nhiều người lập luận chưa chính xác nhưng vẫn được điểm tối đa. Đúng chương trình SGK: Làm đúng đáp số nhưng bạn phải dùng kiến thức đã học trong chương trình SGK. Đúng thời gian: Có nhiều TS không biết phân bố thời gian, trình bày quá cẩn thận dẫn đến có câu đã giải xong trên giấy nháp nhưng hết thời gian để viết vào bài thi. Cũng có nhiều TS làm bài nhanh nhưng không xem lại bài kỹ nên bị mất điểm đáng tiếc.
Đủ các câu hỏi: TS cần điều tiết thời gian để làm hết các câu hỏi theo trình tự từ dễ đến khó, tránh tốn quá nhiều thời gian cho một câu hỏi để không còn giờ suy nghĩ câu khác. Trình bày đầy đủ: Do thang điểm chi tiết đến 0,25 nên những bài có lập luận đầy đủ sẽ dễ đạt điểm tối đa. 
Tìm lời giải đẹp: Khi gặp một bài toán, bạn cần ưu tiên cách giải cơ bản để xử lý nhanh mà không nên loay hoay mất thời gian tìm cách giải đẹp. Tuy nhiên ở một số bài toán đẳng cấp lại cần đến lối giải thông minh, ngắn gọn. Trình bày đẹp: Mặc dù trong môn Toán yếu tố đẹp bị xem nhẹ hơn rất nhiều so với yếu tố đúng, nhưng nếu 2 bài thi có nội dung tương tự nhau thì bài trình bày đẹp dễ được điểm cao hơn từ 0,5 đến 1 điểm.
Trần Phương Giảng viên môn Toán, Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng, Liên hiệp Các hội khoa học – kỹ thuật Việt Nam
Môn Vật lý: Ôn nhanh các kiến thức trọng điểm
Thời gian này, học sinh (HS) cần nhanh chóng tóm tắt, tổng hợp lại một cách hệ thống phần lý thuyết và rèn luyện thật kỹ các dạng bài tập cơ bản trong SGK. Trong quá trình ôn tập, cần bám sát cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT vì nội dung đề thi sẽ xoay quanh những vấn đề nêu trong cấu trúc này.
Đối với câu hỏi trắc nghiệm về lý thuyết, đề thi sẽ khai thác tối đa các hiện tượng, khái niệm hoặc công thức mà HS do chưa nắm kỹ dễ bị nhầm lẫn. Chẳng hạn: khái niệm cùng pha, lệch pha giữa các đại lượng vật lý; các khái niệm dao động điều hòa, dao động tuần hoàn, dao động cưỡng bức, dao động tắt dần, dao động riêng, dao động duy trì; tính chất và tác dụng của các bức xạ không nhìn thấy; tính chất và ứng dụng của các loại sóng vô tuyến điện; các hiện tượng tán sắc, giao thoa ánh sáng, hiện tượng quang điện, quang dẫn, hiện tượng phóng xạ…
Sau đó, HS nên bắt đầu việc luyện giải các bài tập tự luận ở các dạng cơ bản theo từng chủ đề.
Khi làm bài, TS cần đọc kỹ phần dẫn của câu hỏi, tránh các "bẫy" gây nhiễu. Không được bỏ sót từ nào của phần dẫn để nắm thật chắc nội dung mà đề bài yêu cầu trả lời. Cân nhắc để chọn đúng phương án trả lời. Chú ý tới các từ phủ định như “không”, “không đúng”, “sai”… Đọc tất cả bốn phương án trình bày trong phần lựa chọn. Cần tránh những trường hợp vừa đọc được một phương án đã cảm thấy đúng ngay và không đọc các phương án tiếp theo. Phải biết tạm bỏ qua những câu "rắc rối", để chuyển sang làm những câu khác "dễ hơn", rồi quay lại làm những câu đó sau. Không bỏ sót hoặc để trống bất kỳ câu nào. Khi thời gian làm bài thi gần hết mà còn một số câu chưa giải quyết xong, nên quyết đoán nhanh phương án trả lời cho tất cả các câu, nhưng cũng đừng bỏ qua "quy luật xác suất" trong việc chọn phương án trả lời trắc nghiệm.
Giáo viên Nguyễn Đức Hiệp Trưởng dự án Giáo dục trực tuyến mạng Việt Nam GO.VN
Môn Hóa: Đề thi phần lớn là những câu hỏi cần suy luận
Về mặt kiến thức thì TS cần bám sát tài liệu hướng dẫn cấu trúc đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH-CĐ do Bộ GD-ĐT ấn hành. Nhìn chung, kiến thức tập trung ở chương trình lớp 12, nhưng do tính logic của vấn đề kiến thức nên các phần kiến thức lớp 10 và 11 cũng được đề cập. Các câu hỏi ra trong đề thi ĐH phần lớn là những câu hỏi cần có những suy luận nhất định.
Trước tiên, TS phải nắm vững các kiến thức về hóa đại cương, hóa vô cơ, hóa hữu cơ. Kiến thức về tính chất của các chất như tính chất hóa học, tính chất vật lý… Đặc biệt cần phải nắm thêm các trường trường hợp riêng của một số chất vượt ngoài quy luật chung như: a-xít foocmic có tính ô-xy hóa…
Trong khi làm bài thi, TS cần chú trọng một số lưu ý nhất định.
Lưu ý đầu tiên là hãy đọc kỹ đề, quan sát đáp án để định hướng thu hẹp hướng giải. Không nên vừa đọc đề đã tiến hành tính toán hoặc giải bài toán, có nhiều bài toán chỉ sử dụng đầu đề thôi thì kết quả có thể quá nhiều, do đó TS nên đọc thêm các đáp án để hạn chế các kết quả. Ví dụ: Đề thi khối A – 2009, mã đề 175, câu 11 (bài này nếu chỉ có đầu bài thì chúng ta không biết hai este no hay không no và đơn chức hay đa chức nhưng khi nhìn vào các phương án trả lời chỉ có este no đơn chức nên bài giải trở nên dễ dàng)…
Lưu ý thứ 2 là cần sử dụng các phương pháp tính nhanh. Các bài toán thường sử dụng một số phương pháp tính nhanh để tiết kiệm thời gian như phương pháp bảo toàn khối lượng, phương pháp bảo toàn electron, phương pháp tính theo phương trình ion và phương pháp bảo toàn nguyên tố. Ví dụ: Đề khối B, mã đề 148, câu 10 có cách giải là: Với điều kiện thu được một muối và hỗn hợp ancol kế tiếp, chúng ta suy ra este no là hai chất kế tiếp, từ đó chúng ta loại trừ các đáp án A và C. Chúng ta chỉ cần tìm chỉ số trung bình của carbon, thì tìm được đáp án.
Lưu ý thứ 3 là đối với một số bài toán có sự tham gia của chất điện phân, chúng ta có thể tính theo phương trình ion. Ví dụ:  Đề khối B, mã đề 148, câu 6.
Lưu ý thứ 4 là thứ tự phản ứng hoặc xem xét các phản ứng thứ cấp, phản ứng ẩn chỉ xuất hiện sau các phép tính. Ví dụ: Đề khối A, mã đề 175, câu 5.
Lưu ý thứ 5 là có những bài toán không cần tính công thức cụ thể mà chỉ cần nhận xét nhanh dựa vào tính chất và số liệu, từ đó loại trừ dần các đáp án. Ví dụ: Đề khối A, mã đề 175, câu 27.
Lưu ý thứ 6 là chúng ta có thể thiết lập sơ đồ quá trình phản ứng để dễ dàng cho việc tính toán được nhanh và chính xác, dễ kiểm tra kết quả. Ví dụ: Đề khối B, mã đề 148, câu 20.
Lưu ý thứ 7: Có thể suy diễn nhanh dựa trên các kết quả của các đáp án và kết hợp với điều kiện đầu bài. Ví dụ câu 11, cầu 15, mã đề 148, đề thi khối B năm 2009.
Tiến sĩ Trương Minh Lương Giảng viên khoa Hóa – ĐH Sư phạm Hà Nội
Thanh Niên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)