Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Để làm tốt bài thi môn toán và văn lớp 9

Tạp Chí Giáo Dục

 

Học sinh lớp 9 Trường THCS Ngô Chí Quốc (Thủ Đức) trong giờ học (ảnh minh họa). Ảnh: P.N.Q

Nhằm giúp học sinh lớp 9 chuẩn bị tốt cho kỳ thi học kỳ 2 và tuyển sinh vào lớp 10, chúng tôi giới thiệu đến các em phương pháp ôn tập hai môn toán và văn.
Thầy Đặng Hoàng Long (Tổ trưởng bộ môn toán Trường THCS Colette, Q.3)
Môn toán: Cần nắm chắc các kỹ năng làm bài
Các em phải nắm vững và hiểu rõ phần ôn tập cuối chương trong sách giáo khoa. Trong đó cần nắm vững những mối liên hệ giữa các yếu tố của một đường tròn (góc – cung – dây – đường kính). Hệ thống hóa mối liên hệ giữa các loại góc của đường tròn, phối hợp với tứ giác nội tiếp…
Kỹ năng, phương pháp làm bài tập toán
Rèn luyện kỹ năng chứng minh tứ giác nội tiếp, chứng minh 2 góc bằng nhau làm nền tảng để chứng minh các loại toán khác. Trong đó, phải rèn luyện kỹ năng tính toán trong hình học (góc, cạnh, chu vi, diện tích…) bằng hệ thức lượng trong tam giác vuông, định lý pytago, ta-lét, tam giác đồng dạng, tính chất đường phân giác trong/ngoài… Ngoài ra, cần chú ý đến kỹ năng vẽ đồ thị, giải phương trình bậc hai, phương trình quy về phương trình bậc hai, kỹ năng vận dụng hệ thức Vi-ét để giải các bài toán liên hệ giữa các nghiệm của phương trình bậc hai.
Rèn luyện những bài toán khó thi vào lớp 10 và lớp 10 chuyên
Học sinh cần phải nắm vững và nhớ được những bài toán cơ bản để có thể tổng hợp chúng thành một bài toán lớn (đôi khi cần chứng minh bài toán phụ cho đề chuyên). Trong đó phải biết một số bài toán mang tính chất đảo (ví dụ như bài toán dễ là có A suy ra B nhưng bây giờ đề bài cho B ta có suy ra A được hay không?).
Đa dạng hóa cách học
Học ở thầy: các em cần biết tranh thủ thời gian chỉ dẫn của thầy mà phát huy cao độ việc học ở thầy. Cụ thể phải thực hiện trình tự như sau: phải soạn bài trước khi đến lớp. Trong quá trình tiếp thu và vận dụng kiến thức, phải kết hợp 5 kỹ năng: nghe – nhìn – ghi – nghĩ – hỏi. Về nhà, các em cần củng cố, vận dụng phát triển tư duy để làm các bài tập mới. Kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của bản thân qua từng thời kỳ. Học ở bạn: Học được cái đúng của bạn và rút kinh nghiệm từ cái sai của bạn. Học nhóm tại nhà: Hợp tác cùng đóng góp ý kiến và học hỏi lẫn nhau. Học ở sách: Chủ yếu là đọc sách. Tuy nhiên cần phải biết chọn sách đúng nhu cầu trong học tập. Cần biết cách đọc sách: có suy nghĩ, hệ thống, lọc lựa, có ghi nhớ…
Cô Trương Thu Khuyên (Trưởng bộ môn ngữ văn Trường THCS Đống Đa, Bình Thạnh) 
Môn văn: Lý lẽ xác đáng, lập luận chắc chắn
Theo thông báo của Sở GD-ĐT TP.HCM, cấu trúc đề thi môn ngữ văn năm nay có 3 câu hỏi chứ không phải 4 câu như năm rồi. Câu 1 thường kiểm tra kiến thức về tác giả, tác phẩm như chép một bài thơ, đoạn thơ dài của văn học Việt Nam thuộc giai đoạn hiện đại (Viếng lăng Bác, Mùa xuân nho nhỏ…). Có thể nói đây là câu gỡ điểm cho các em học sinh, vì nhiều em còn yếu về kỹ năng viết. Câu 2 thường yêu cầu viết văn bản ngắn về một vấn đề xã hội (văn nghị luận xã hội). Ngoài những sự việc, hiện tượng trong đời sống, văn nghị luận xã hội còn đề cập nhiều đến tư tưởng đạo lý như tình yêu quê hương, lòng biết ơn cha mẹ… Khi làm bài, các em cần mở rộng, lật ngược vấn đề như lên tiếng phê phán những biểu hiện chưa tốt trong cuộc sống. Để bài văn sâu sắc hơn, người viết có thể đặt ra một số câu hỏi và tự trả lời: vấn đề đó như thế nào? Tại sao lại như vậy? Phần liên hệ bản thân, học sinh cần nêu những việc cá nhân chưa thực hiện được, những điều cần làm để rèn luyện kỹ năng sống. Phần nghị luận tác phẩm văn học (Câu 3), các em phải nắm vững phương pháp phân tích, đánh giá các tác phẩm thơ và truyện. Hiện nay đề thi ít ra dạng “phân tích tác phẩm” mà thường yêu cầu trình bày suy nghĩ hoặc cảm nhận về bài thơ, đoạn trích, tác phẩm văn xuôi… Do đó, các em phải trình bày được ý kiến riêng, đưa ra những đánh giá, nhận xét về giá trị nội dung cũng như giá trị nghệ thuật và cái hay cái đẹp của tác phẩm. Các em cần nắm vững phương pháp trình bày, bố cục một bài văn nghị luận: giới thiệu vấn đề nghị luận (mở bài), giải thích vấn đề (thân bài), mở rộng vấn đề (kết bài). Bài làm phải biết đưa ra lý lẽ xác đáng, lập luận chắc chắn, lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu (trong văn học và đời sống) để làm sáng tỏ vấn đề. Cảm nhận phải sát đề, sâu sắc, tôn được giá trị và thành công của tác phẩm. Nếu được giáo viên thường xuyên luyện viết những đoạn văn ngắn, các em sẽ có thêm kỹ năng trình bày ý, diễn đạt câu, đưa ra luận điểm của mình và tạo lập những đoạn văn hoàn chỉnh. Đối với những lớp chọn, các em phải biết khai thác thêm ý, mở rộng vấn đề, liên hệ với những tác phẩm khác cùng thời kỳ, chung giai đoạn, đưa ra những hình ảnh tương tự để so sánh, đối chiếu làm nổi bật giá trị của tác phẩm. Cùng một ước nguyện nhưng mỗi tác giả, có cách thể hiện khác nhau. Nếu ước nguyện của Thanh Hải (tác giả bài Mùa xuân nho nhỏ) – mỗi con người là một mùa xuân nho nhỏ góp vào mùa xuân lớn của dân tộc thì ước nguyện của Viễn Phương (tác giả bài Viếng lăng Bác) là được làm bông hoa hương tỏa đâu đây, làm cây tre trung hiếu chốn này.
Nhà giáo Đặng Hoàng Long – Trương Thu Khuyên

 

Bình luận (0)