Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Để làm tốt dạng bài nghị luận xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, dạng đề nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống rất được quan tâm. Để làm tốt dạng đề này, các em học sinh cần lưu ý:
Thứ nhất, chú ý quan sát và xác định kỹ dạng đề bài. Thực tế cho thấy một số đông học sinh hiện nay vẫn còn nhầm lẫn giữa dạng đề bài về tư tưởng đạo lý và dạng đề bài về hiện tượng đời sống. Cách nhận diện đơn giản là ở đề bài bàn về hiện tượng đời sống thường xuất hiện những sự việc, sự kiện mang tính thời sự cao với yêu cầu học sinh bàn luận trực tiếp về chính những sự việc, sự kiện đã được đề cập. Trong khi đó, đề bài về tư tưởng đạo lý thường yêu cầu học sinh bàn luận về ý kiến, về cách đánh giá nào đó (cũng có thể với ngay sự việc, sự kiện mang tính thời sự cao). Nhiều học sinh băn khoăn, lúng túng khi xử lý đề bài bàn cùng một lúc về hai hiện tượng đời sống. Do đó các em cần xác định, nếu là hai hiện tượng trái chiều – đối lập, nên tách riêng từng hiện tượng để bàn luận về nguyên nhân, tác dụng/hậu quả từng hiện tượng; từ đó đánh giá, rút ra bài học nhận thức và hành động. Ở hai hiện tượng xã hội có tính chất tương đồng, lại cần nhập vào để cùng bàn luận về nguyên nhân, tác dụng/hậu quả… Thứ hai, tăng cường quan sát, cập nhật thông tin. Một điều không thể phủ nhận là những bài làm văn nghị luận xã hội đạt điểm cao bao giờ cũng có hệ thống dẫn chứng thực tế phong phú, sát đúng với yêu cầu của đề. Cần sắp xếp và bố trí thời gian phù hợp đọc sách báo, coi truyền hình để làm phong phú vốn sống, tránh tình trạng bị lạc hậu so với cuộc sống đang diễn ra xung quanh. Thứ ba, chọn lọc thông tin. Việc đọc sách báo, tin tức rất cần nhưng phải biết cách chọn lọc thông tin vì nếu không chọn lọc, học sinh có thể bị “nhiễu”. Thậm chí ở một số em, do chưa đủ bản lĩnh để xử lý thông tin, có thể gây hoang mang, thậm chí dẫn đến cách hiểu sai lệch… Cần cảnh giác trước một số trang mạng xã hội hoặc có nội dung thiếu lành mạnh, nội dung kích động hoặc những ý kiến cực đoan của một số người tham gia cộng đồng mạng…
Triệu Thị Huệ
(GV môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) 
 
 
 

Bình luận (0)