Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Để làm tốt môn địa lý: Nên vận dụng kiến thức chứ không phải chỉ thuộc lòng kiến thức

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

HS cần bình tĩnh coi lại đề thi để nắm vững yêu cầu kiến thức và kỹ năng quy định trong từng câu. Ảnh: N.Anh
Để làm tốt môn địa lý:Nhằm giúp học sinh (HS) lớp 12 có những định hướng đúng đắn trong việc vận dụng kiến thức để làm tốt bài thi môn địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Mai Phú Thanh – Chuyên viên bộ môn địa lý,Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP.HCM) chung quanh cách thức ôn tập và làm bài thi.
PV: Thưa ông, cách dạy và học môn địa hiện nay có gì khác so với những năm học trước? HS đã quen với cách học bài, làm bài mới (vận dụng kiến thức đã học) hay vẫn còn có thói quen “học thuộc lòng”?
– Ông Mai Phú Thanh: Việc HS học thuộc lòng hay học theo kiểu vận dụng kiến thức đã học là do quá trình rèn luyện của HS trong nhà trường THPT dưới sự tổ chức của giáo viên trong quá trình đổi mới dạy và học. HS học theo “kiểu mới” là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá để thực hiện chương trình và sách giáo khoa lớp 12 mới, đến nay là ba năm rồi (tính từ khi thay sách giáo khoa lớp 12 năm 2008). Nếu tính từ thay sách giáo khoa lớp 6 thì đến nay đã là chín năm, nên việc HS học thuộc bài là một điều đáng phê phán, nhất là khi chỉ thị năm học năm nay Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh các môn văn, sử, địa, GDCD… phải chú trọng việc vận dụng kiến thức, kỹ năng cho HS, cấu trúc đề thi tốt nghiệp năm nay đã qui định 50% là vận dụng kiến thức.
Ông có thể cho biết xu hướng ra đề thi môn địa lý trong những năm gần đây có những điểm gì thí sinh cần lưu ý, từ đó có cách ôn tập và làm bài tốt hơn?
– Từ năm 2008-2009, các câu hỏi thi tốt nghiệp THPT không phải là câu hỏi lớn (mỗi câu là một phần bài học như trước đây), mà mỗi câu là một hệ thống câu hỏi nhỏ liên hoàn có mối quan hệ với nhau và nằm ở nhiều phần khác nhau, thậm chí có phần thuộc về kiến thức cuộc sống của HS. Nên vận dụng kiến thức mới là khâu quan trọng chứ không phải chỉ thuộc lòng kiến thức. Vẽ biểu đồ cũng là một vấn đề khi hiện nay với một bảng số liệu có nhiều cách vẽ biểu đồ khác nhau. Tùy theo câu hỏi đi kèm theo bảng số liệu, HS mới có thể vẽ đúng biểu đồ phù hợp. Cấu trúc bảng số liệu hiện nay cũng thay đổi theo hướng có thể phân tích nhiều hướng khác nhau, nên tùy theo câu hỏi đi kèm, HS phải biết rút ra nhận xét và lựa chọn kiến thức giải thích nguyên nhân cho phù hợp. Tuy nhiên, nếu HS không nắm vững kiến thức rất dễ đi sa đà vào “mô tả văn học hoặc mô tả thời sự” vừa mất thời gian, vừa tốn công sức mà kết quả vẫn thấp.
Cần lưu ý: mỗi câu chỉ cần mất 0,25 điểm thì việc đạt điểm 5 đối với HS trở nên rất khó.
Cách ôn và cách làm bài thi môn địa lí để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới?
– Để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010-2011, HS cần nắm vững các kiến thức trong sách giáo khoa, biết liên hệ các kiến thức để trả lời chính xác yêu cầu các câu hỏi, không trả lời thuộc lòng máy móc để tránh lạc đề. Kiến thức sách giáo khoa khi trình bày một vấn đề thường lặp đi lặp lại ở nhiều bài khác nhau, nhưng nội dung có sự khác nhau cho phù hợp với yêu cầu mỗi bài học. Đây là một thuận lợi khi ôn tập vì HS mau nắm vững kiến thức của bài, thấy mối quan hệ kiến thức giữa các bài, nhưng cái khó chính là HS dễ trả lời lạc đề khi lấy kiến thức bài này để trả lời câu hỏi đặt ra cho bài khác. Việc xem lại thường xuyên sách giáo khoa, hướng dẫn ôn tập là cơ sở kiến thức và kỹ năng để HS thi tốt nghiệp THPT, nhưng kết quả lại được quyết định khi làm bài thi.
HS cần bình tĩnh coi lại đề thi để nắm vững yêu cầu kiến thức và kỹ năng quy định trong từng câu. Sau đó, viết dàn ý rồi mới làm bài. Diễn đạt ngắn gọn, súc tích và giải quyết đúng yêu cầu trong câu hỏi của đề thi. Tránh suy diễn theo ý mình mà không có cơ sở khoa học.
Quan trọng nhất không phải là viết đủ kiến thức mình đã thuộc, mà chính là viết đúng yêu cầu kiến thức quy định trong hướng dẫn chấm đề thi (do đó không lập dàn ý tóm tắt, HS sẽ không làm đủ yêu cầu quy định trong đáp án).
Riêng phần kỹ năng, HS cần hiểu các cách phân tích các bảng số liệu trong sách giáo khoa, để có thể làm tốt các câu hỏi kỹ năng.
Lưu ý, các bài tập số liệu trong sách giáo khoa, trong hướng dẫn ôn tập chỉ là các bài tập mẫu để HS làm quen, tính đúng, phân tích đúng, giải thích đúng và hình thành cho mình phương pháp phân tích bảng số liệu thống kê, chứ không phải là các bài thi mẫu mà HS phải học thuộc lòng.
P.N.Q (thực hiện)

Cách đặt câu hỏi hiện nay, nhìn chung rất đơn giản, mỗi câu đều tạo điều kiện cho HS tận dụng tối đa kiến thức, kỹ năng và vốn sống của mình để làm tốt bài thi.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)