Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Để lao động trẻ có giá hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Giở các trang báo hoặc bật tivi theo dõi các chương trình thời sự, cứ cách ít lâu, người ta lại nghe nói nơi này công nhân bị buộc làm việc quá sức trong những điều kiện tồi tệ, nơi khác người làm công bị chủ đánh đập, nhục mạ, nơi khác nữa người làm thuê bị chủ sa thải và quỵt tiền lương…

Đáng chú ý là hầu hết nạn nhân của tình trạng này là công nhân trẻ tuổi. Lao động trẻ cũng là thành phần chiếm đa số trong tầng lớp làm công ăn lương tại các doanh nghiệp hiện nay.

Coi doanh nghiệp là chỗ dựa duy nhất, là chiếc phao để sinh tồn, nhiều người lao động trẻ khi xác lập quan hệ lao động với các ông chủ thường đứng vào vị trí của kẻ yếu, thậm chí rất yếu. Người lao động tỏ ra cần ông chủ dành cho mình một chỗ làm công hơn là ông chủ cần họ để có lực lượng lao động cần thiết cho sự vận hành của doanh nghiệp. Bởi vậy, họ dễ dàng chấp nhận giao kết hợp đồng lao động với nhiều điều khoản bất bình đẳng, như lương thấp, số giờ làm việc nhiều, số giờ nghỉ ngơi ít, điều kiện vệ sinh, an toàn lao động nghèo nàn…

Bảo vệ người lao động trong quan hệ sử dụng lao động, chống sự lạm dụng vị trí kẻ mạnh của chủ là nhiệm vụ của nhà chức trách, nói chung của toàn xã hội. Nhiều việc cần làm và tiếp tục làm để đạt được mục tiêu ấy bao gồm hoàn thiện hệ thống pháp luật, hữu hiệu hóa bộ máy kiểm tra, giám sát, xây dựng tổ chức công đoàn của người lao động làm thuê và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức này phát huy vai trò đại diện của người lao động trong quan hệ chính thức với giới chủ.  

Tuy nhiên, thiết thực hơn cả đối với người lao động, nhất là lao động trẻ, là làm thế nào để cải thiện vị thế của người làm thuê trong quan hệ kết ước với chủ. Nói cách khác, phải làm thế nào các hợp đồng lao động nhất thiết là kết quả sự thỏa thuận tự nguyện, bình đẳng và sòng phẳng giữa những người đang thật sự cần đến nhau trong quá trình tìm kiếm lợi ích, chứ không phải là sự ban phát ân huệ cho người nghèo. 

Rèn luyện tay nghề là một trong những biện pháp chủ yếu giúp người lao động trẻ nâng cao giá trị của mình trong mắt người sử dụng lao động. “Sở hữu” một lực lượng lao động tinh thông là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp làm được sản phẩm có chất lượng cạnh tranh. Các ông chủ luôn cần lao động có chuyên môn giỏi nên họ sẵn sàng “chèo kéo” người lao động loại này bằng những hợp đồng lao động với các điều kiện tốt hơn nhiều so với lao động không có tay nghề. Càng lành nghề, người lao động càng có tâm lý tự tin trong thương thảo hợp đồng lao động, nhờ đó giảm thiểu nguy cơ bị ràng buộc vào các giao kèo bất lợi. 

Tất nhiên muốn được trang bị kỹ năng nghề nghiệp thì phải học. Vấn đề là không phải ai chọn con đường làm thợ cũng có phương tiện vật chất cho phép trang trải chi phí học tập tại các trường nghề. Bởi vậy, cần phát triển mạng lưới đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên nghèo thành thị và thanh niên ít học tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Một mạng lưới như thế cần sự đầu tư vật chất không chỉ của Nhà nước và các thiết chế xã hội phi vụ lợi mà nên dùng luật để huy động sự đóng góp bắt buộc của các doanh nghiệp, dưới hình thức nghĩa vụ vật chất đối với việc bảo đảm sự vận hành của hệ thống phúc lợi và an sinh của cộng đồng. Suy cho cùng, đó cũng là một trong những hình thức thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.     

Theo TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)