Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Dễ mắc bệnh từ đồ “sida”

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng “sida” rất phong phú, nhưng nếu không khử trùng trước khi sử dụng thì rất dễ “rước bệnh” vào người
Với ưu điểm là rẻ, độc, lạ nên các loại quần áo, giày dép, mũ nón, thú nhồi bông… thời trang đã qua sử dụng vẫn được nhiều người săn lùng. Tuy nhiên, trong số những “tín đồ” đó, không ít người rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” do mua phải sản phẩm có chứa mầm bệnh.
Hàng hiệu giá rẻ
Các loại mặt hàng đã qua sử dụng thường được biết đến với các tên gọi: Hàng thùng, hàng second-hand, hàng “sida”… Tuy là hàng hiệu nhưng các mặt hàng này đã qua sử dụng nên chúng được bán với giá khá rẻ, được giới sinh viên, các bà nội trợ hay những người có thu nhập thấp tin dùng. Thậm chí vì nó “độc” nên cũng thu hút không ít các bạn trẻ “sành điệu”.
Theo khảo sát thì các loại “hàng hiệu” này giá cả không cố định. Có những món đồ giá hàng trăm ngàn, nhưng có cái giá chỉ mấy chục ngàn. Cụ thể một chiếc quần đùi, áo thun hiệu Gucci ở đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, TP.HCM) giá 25 ngàn, đầm có giá 30 ngàn/ chiếc, quần Jeans có giá 40 ngàn/chiếc… Chủ cửa hàng bán đồ second-hand trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM) vừa bán hàng, vừa ca ngợi: “Vì giá rẻ, mặc lại bền, đẹp nên bán hàng này “dễ chịu” lắm, khách hàng chẳng mấy khi trả giá. Nếu ưng ý là lấy liền, có khi một người mua mấy cái”.
Tại các chợ bán đồ cũ, một số cửa hàng bán đồ lót cũng khá hút khách. Chị T.H đang lúi húi chọn đồ lót tại chợ Phước Long (Q.7) chia sẻ rằng: “Đồ mặc bên trong thì quan trọng gì, mặc cũng đâu có ai nhìn thấy mà nhìn nó cũng còn mới, chứ nếu mua cái này ở trong hiệu phải mấy trăm ngàn. Như vậy thì uổng quá!”. Chính vì sự “thờ ơ” với bản thân mình mà không ít người phải đến gặp BS da liễu để khám bệnh do thấy trên  người có những dấu hiệu bất thường như: Mẩn ngứa, da nổi lấm tấm mụn nước, hoặc có những dấu chấm đỏ giống đồng xu…
Dễ mắc bệnh da liễu
Những “tín đồ” về hàng second-hand thường chỉ chú ý tới hình dáng, chất liệu, mẫu mã… mà quên đi việc chủ nhân trước của chúng là ai, mắc bệnh gì, đồ để lâu có sinh ẩm mốc không. Nhiều chị em khi sử dụng, “tôn sùng” hàng thùng chưa nhận thức được rằng mình đang phải đối mặt với nhiều bệnh tật nguy hiểm.
ThS.BS Ngô Minh Vinh (giảng viên Bộ môn da liễu, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho biết: “Phần lớn đồ “sida” đều chưa được xử lí trước khi mang bán ra thị trường, các đồ đó để lâu ngày, bảo quản không tốt… Vì vậy, nguy cơ mắc các bệnh về da liễu rất cao, nhất là các bệnh do siêu vi trùng gây nên như ghẻ, nấm, thậm chí có cả con rận kí sinh trùng trong quần áo. Đặc biệt, các loại vi nấm có thể tồn tại rất lâu nên nếu người trước đó mà bị nấm thì người sau mặc lại đồ rất dễ bị lây nấm và mắc một số bệnh về nấm như nấm đồng tiền, nấm bẹn… Chẳng hạn, khi người tiêu dùng mua phải đôi giày của người bị nấm chân trước đó, về không khử trùng sạch sẽ thì nguy cơ lây bệnh rất cao, phổ biến là bệnh nấm kẽ chân và nấm móng chân…”.
Có không ít bệnh nhân khi được các BS cho biết đã mắc bệnh sùi mào gà, chính bản thân họ cũng không biết được nguyên nhân tại sao. Trong khi đó người chồng nghi ngờ vợ mình ngoại tình, ngược lại vợ nghi ngờ chồng vì bệnh này lây nhiễm qua đường tình dục và mặc chung đồ với người mắc bệnh. Sau một thời gian thăm khám, cuối cùng mới biết nguyên nhân chính là từ những bộ quần áo “sida”. BS. Vinh cho biết: “Nếu giặt mà không có chất khử trùng thì các siêu vi trùng sẽ không bị tiêu diệt và đó là mầm mống gây bệnh. Việc sử dụng quần áo second-hand, trong đó có đồ lót mặc bó sát vào người rất dễ mắc các bệnh lây nhiễm. Chẳng hạn, mắc các bệnh như: Sùi mào gà, lậu, giang mai…”.
BS. Vinh khuyến cáo, không nên ướm thử quần áo lên người khi quần áo đó chưa được khử trùng. Bởi, các loại vi trùng gây bệnh vẫn tồn tại trên vải, mà các loại này giặt bằng máy giặt thông thường không sạch, phải khử trùng bằng cách luộc thật kĩ qua nước đã đun sôi. Sau đó giặt lại bằng xà bông, rồi phơi ra nắng trong nhiều ngày, không được giặt phơi qua loa mà hết sức kĩ càng. Ngoài ra, cần phải ủi quần áo ở cả hai mặt nhưng chú ý đến mặt bên trong nhiều hơn vì đó là mặt tiếp xúc trực tiếp với cơ thể, cần ủi kĩ và nhiều lần. Như vậy mới giảm thiểu được nguy cơ lây các bệnh về da liễu.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Làm đẹp nhưng đừng… làm liều
Quần áo second-hand là một mặt hàng khá phổ biến, ngày càng được ưa chuộng. Bên cạnh việc làm đẹp, bắt kịp xu hướng thời trang thì chúng ta nên chú ý đến việc bảo đảm về mặt sức khỏe, chứ không nên coi việc “làm đẹp là trên hết” như chia sẻ của một số bạn trẻ. 
 
 

Bình luận (0)