Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Dễ mắc bệnh từ… xăng dầu

Tạp Chí Giáo Dục

Cần trang bị dụng cụ bảo hộ lao động khi làm công việc bơm xăng dầu
Trong xăng dầu có chứa rất nhiều các dung môi hữu cơ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người, thậm chí có thể tử vong.
Nguy cơ mắc bệnh cao
Là một người đã từng gắn bó với nghề bán xăng, dầu hơn 4 năm, chị Phương (quê Tây Ninh) cho biết: “Hồi mới vào nghề, ban đầu đứng bán tôi cảm thấy xây xẩm mặt mày vì mùi hơi của xăng và sự khắc nghiệt của thời tiết, nhưng lâu rồi thành quen…”. Bên cạnh đó phải kể tới sự độc hại với nhiều khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp, về da, các bệnh về tiêu hóa… Trong số đó, bệnh hô hấp là dễ phát hiện nhất vì đa số những người làm việc trong môi trường này mũi thường có biểu hiện khụt khịt do hít phải mùi hơi của xăng, dầu. Anh Hoàng Tuấn Nam, nhân viên bán xăng ở cây xăng trên đường Hùng Vương Q.10, TP.HCM tâm sự: “Mấy lần tôi đã bỏ nghề để về quê làm ruộng nhưng về quê thì không có tiền để lo cho hai đứa con ăn học nên đành quay lại làm nghề này. Tôi thường xuyên bị chảy nước mũi nhất là vào lúc thời tiết nắng nóng, đi khám thì BS nói là bị viêm xoang mãn tính…”.
TS. Nguyễn Vinh Khanh (giảng viên Bộ môn chế biến dầu khí, Khoa Kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cho biết: “Xăng dầu là chất độc, có chứa nhiều chất gây ung thư như các hợp chất có vòng thơm benzene, ethylbenzene, toluene, xylene… Ngoài ra, còn chứa các chất ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, bất tỉnh thậm chí bị tử vong. TS. Khanh cho biết thêm: “Những người tiếp xúc thường xuyên với xăng, dầu có khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp như mũi, họng, khí quản, phổi… Thậm chí có thể gây ung thư, tử vong”.
TS. Khanh nhấn mạnh: “Những người thợ sửa máy chạy bằng xăng, dầu có khả năng mắc các bệnh về da rất cao do các chất gây hại chứa trong xăng, dầu thẩm thấu qua da gây nên dị ứng da, các bệnh về da liễu, ung thư da… Nếu nuốt phải các giọt sương có chứa xăng, dầu lẫn vào trong không khí thì có thể mắc các bệnh về đường tiêu hóa như dị ứng miệng, thực quản, dạ dày… Nồng độ gây nhiễm độc khi hít thở cho 50% mẫu thử (LC 50) trong 5 phút là 300g/ m3. Liều gây chết số mẫu thử LD 50 khi tiếp xúc qua da trong 24 giờ là 4g/kg”.
Cần sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động
TS. Khanh cảnh báo, người lớn có khả năng hít phải các chất độc từ xăng dầu, nhưng nếu mua xăng về để ở nhà thì sẽ có nguy cơ trẻ em bị uống nhầm, nhất là một số loại xăng có chất acetone, xăng thơm. Khi đó, phổi sẽ bị tổn thương nhiều hơn do tốc độ bay hơi ở xăng rất nhanh. Nếu xăng có pha chì còn gây thêm độc chì rất nguy hiểm đến tính mạng.
Một số nhân viên bán xăng còn lơ là trong việc tự bảo vệ sức khỏe của bản thân. Anh Lê Ngọc Tuân, nhân viên bán xăng trên đường Huỳnh Tấn Phát Q.7 cho biết: “Không phải lúc nào tôi cũng dùng dụng cụ lao động, có những khi trời mát thì bỏ khẩu trang hay găng tay ra cho thoáng chứ đeo riết thấy khó chịu quá…”. Theo TS. Khanh: “Để hạn chế được các bệnh không mong muốn từ việc tiếp xúc với xăng, dầu thì những người làm việc trong môi trường này cần phải thường xuyên dùng dụng cụ bảo hộ lao động như găng tay, kính bảo vệ mắt, quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang nhưng nên đeo khẩu trang mặt nạ để ngăn khí và bụi”. Đây là biện pháp cần tuân thủ nghiêm ngặt, nơi làm việc cũng cần phải thông thoáng, có quạt thông khí. Bên cạnh đó, cần tuân thủ tồn trữ xăng, dầu đúng quy định, tránh xa các dụng cụ gây cháy như không hút thuốc trong môi trường làm việc có xăng dầu, hạn chế việc sử dụng điện thoại…
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
 
Một trong những công việc phụ nữ không được làm
Theo thông tư số 26/2013 của Bộ LĐ-TB&XH có hiệu lực từ 15-12, quy định 77 công việc phụ nữ không được làm, trong đó có nghề bơm xăng dầu tại các cây xăng. Theo Bộ LĐ-TB&XH, đây là quy định thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với phụ nữ nhằm đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của chị em. Có thể nói, để làm được nghề bơm xăng thuê, không cần phải học cao nhưng phải nhanh tay, tính nhẩm giỏi và nhất là phải có sức khỏe để có thể đứng vững trong vòng 12 tiếng đồng hồ cho một ca trực. Những người bơm xăng thuê đều có chung những đặc điểm của một nghề chuyên phải đứng giữa mưa, nắng: Da đen cháy, mũi luôn khụt khịt do phải hít quá nhiều bụi đường, khói xe, hơi xăng dầu.
T.B
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)