Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Để mãi mãi là “Sư Hinh”

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa khai giảng năm học 2017-2018 đã trôi qua 3 tháng. Song việc “nói ra, nói vào” về “tiền trường, quỹ hội” của phụ huynh học sinh đến dư luận xã hội vẫn chưa ngớt. Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo 20-11, xin kể về một bài báo của Bác Hồ cách đây đã hơn nửa thế kỷ. Với triết lý “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ phần nhiều do giáo dục mà nên”, Bác Hồ luôn quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là đội ngũ Thầy – Cô giáo. Khi nào có bài báo viết về gương điển hình thầy, cô giáo là Bác ghi bút tích vào đó, đề nghị khen thưởng, tặng huy hiệu của Người. Đồng thời, khi biết những sự việc tiêu cực trong giới Thầy – Cô, Bác đã viết báo nghiêm khắc phê bình. Trên báo “Tia sáng” ngày 30-6-1963 có đăng hai câu chuyện về hai trường ở Hà Đông, không thực hành tiết kiệm mà lại làm những việc ảnh hưởng đến danh hiệu người Thầy, Bác Hồ đã viết bài “Sư Hinh” trên báo “Nhân dân” nói về đạo đức của người Thầy. Ngày xưa, các cụ nhà Nho hay dùng hai chữ này để khuyến khích, tôn vinh những người làm nghề dạy học. “Sư Hinh” nghĩa là hương thơm, đạo đức người Thầy.

Bác đánh giá: “Tuyệt đại đa số cô giáo và thầy giáo đều cố gắng trau dồi đạo đức cách mạng, làm gương cho học trò và xứng đáng với hai chữ “Sư Hinh”. Nhưng trường hợp ở trường cấp II xã Đại Thanh, huyện Thường Tín đã bắt mỗi học trò nộp 2 đồng để mua 6 con lợn và gà, vịt, chó làm tiệc “liên hoan tổng kết năm học”; hay trường hợp ở trường cấp I xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, các thầy giáo đã bắt mỗi học trò đi “mót” 3 cân thóc nộp cho thầy; em nào “mót” được 7 cân trở lên thì được cấp giấy khen. Nhiều em đã phải lấy thóc của bố mẹ để nộp. Bà con nhân dân hai địa  phương trên, nhất là cha mẹ học trò rất thắc mắc và có nhiều người đã nói một cách mỉa mai, các thầy là “Sư Hinh” hay “sinh hư”…”.

Sự việc diễn ra từ 54 năm về trước, hình thức có khác bây giờ, song tính chất thì tương tự với tình hình bát nháo hiện nay trong ngành giáo dục. Không biết có bao nhiêu phần trăm (%) thầy, cô giáo là “Sư Hinh” và bao nhiêu % là ngược lại. Điều đó, những người làm nhiệm vụ trồng người tự suy ngẫm là tốt hơn cả, nhất là trong dịp kỷ niệm tôn vinh Nhà giáo để “phải luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị, phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” như Bác Hồ căn dặn, để mãi mãi xứng danh là người Thầy – kỹ sư tâm hồn – xứng đáng với hai chữ “Sư Hinh”.

Phan Xuân Biên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)