Bé Lê Thị K.Ng đang được điều trị tại BV Nhi đồng 1 (ảnh chụp ngày 16-8) |
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng ăn thịt cóc có thể chống được suy dinh dưỡng, còi xương, giúp tăng chiều cao. Nhưng sự thật thịt cóc có đúng là “thần dược” hay không khi mà chỉ chưa đầy một tháng, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 đã phải tiếp nhận tới 4 trường hợp bị ngộ độc…
Nhập viện cấp cứu vì… ăn cóc chiên
Ngày 16-8, Khoa Cấp cứu, BV Nhi đồng 1 TP.HCM đã tiếp nhận ba trường hợp là Lê Thị K.Ng – 10 tuổi, Lê Thị Tr.Q – 9 tuổi và Phan Thị C.T – 9 tuổi cùng quê ở Tiền Giang bị ngộ độc chất bufotoxin do ăn thịt cóc. Theo lời kể của Ng., chiều 15-8, Ng., Q. và T. bắt được một con cóc, lột da rồi chiên ăn. Sau khi ăn được một giờ, cả ba em đều bị nôn ói, nhức đầu dữ dội. Ngay lập tức, gia đình chuyển các em đến BV để cấp cứu. Tại đây, các BS phát hiện, ba em đều bị ngộ độc thịt cóc và nhịp tim đập rất chậm. Sau khi truyền dịch, sử dụng thuốc tăng nhịp tim, ba bệnh nhi được chuyển đến BV Nhi đồng 1 điều trị. BS. Bạch Văn Cam – cố vấn Khối Hồi sức cấp cứu, BV Nhi đồng 1 cho biết: “Hiện, sức khỏe của cháu Q. và cháu T. tương đối ổn định. Riêng cháu Ng. phải tiếp tục sử dụng thuốc tăng nhịp tim, tránh tình trạng nhịp tim chậm dẫn đến sốc và ngưng tim”.
Trước đó, ngày 22-7, Khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 2 TP.HCM cũng đã tiếp nhận bé Nguyễn Tường V., 11 tháng tuổi từ BV Đồng Xoài chuyển lên với chẩn đoán: Ngộ độc trứng cóc, rối loạn nhịp tim chậm, trong tình trạng gồng người, tím môi, ói và tiêu lỏng nhiều lần. Theo lời kể của mẹ bé V., tối trước ngày nhập viện, ba bé bắt được một con cóc lớn, sau đó lột da, để nguyên trứng, nội tạng chiên cho cả ba và bé ăn. Sau khi ăn được 30 phút, bé nôn ói dữ dội kèm tiêu lỏng nên người nhà vội vã đưa đến BV Đồng Xoài. Không chỉ V. mà ngay cả ba của bé cũng phải nhập viện trong tình trạng tương tự. Tại BV Nhi đồng 2, bé V. được rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính để loại bỏ độc chất, được đo điện tim và theo dõi nhịp tim liên tục để phát hiện sớm rối loạn nhịp chậm nhằm xử trí kịp thời. Sau 4 ngày điều trị tại BV, sức khỏe của bé mới ổn định nên được xuất viện.
Một con cóc có thể gây tử vong cho 4-5 người
BS. Nguyễn Thị Minh, Khoa Nội tổng hợp, BV Nhi đồng 2 cho rằng: “Thịt cóc có tỷ lệ đạm rất cao và không chứa nọc độc. Thành phần gây độc của cóc là độc tố bufotoxin – một chất cực độc, có trong gan, trứng, da, mủ (dịch tiết màu trắng đục từ các tuyến dưới da, mang tai, còn gọi là nọc cóc hay nhựa cóc), mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn. Ước tính lượng bufotoxin trong một con cóc có thể gây chết cho 4-5 người khỏe mạnh”.
Theo BS. Cam, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc cóc là do sự hiểu biết chưa đầy đủ về cóc nên ăn cả gan và trứng cóc. Không biết cách chế biến để loại bỏ hết da, nội tạng cóc, làm cho độc tố này vỡ ra, dính vào thịt cóc gây ngộ độc. Triệu chứng ngộ độc là 1-2 giờ sau khi ăn cóc, trẻ có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau và chướng bụng, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, sốc, ảo giác, đau đầu, có thể hưng phấn, tổn thương gan, thận, dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
“Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do cóc, tốt nhất là không ăn thịt cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Nếu vẫn muốn sử dụng cóc làm thực phẩm thì tuyệt đối không ăn trứng và gan cóc. Trong quá trình chế biến, tuyệt đối không để da cóc, nhựa cóc dính vào thịt, tránh làm vỡ trứng cóc. Không sử dụng các sản phẩm bột thịt cóc không rõ nguồn gốc, không được kiểm định để điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ vì nguy cơ bị ngộ độc rất cao”, BS. Minh khuyến cáo.
Bài, ảnh: Anh Kim
Bình luận (0)