Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài xuất bản lần đầu năm 1941 đến nay đã hơn 70 năm. Thế nhưng, nó sống mãi trong lòng biết bao thế hệ. Trong chương trình tiếng Việt của lớp 4 hiện hành, học sinh đã được học 2 bài tập đọc liên tiếp với tựa bài Dế Mèn bênh vực kẻ yếu.
Chỉ với hai đoạn trích ngắn của tác phẩm nhưng nó đã mang đến cho các em bài học rất gần gũi với thực tế và cách hành văn sinh động hấp dẫn. Nội dung đoạn trích thật đơn giản là Dế Mèn đã bênh vực chị Nhà Trò (loài côn trùng nhỏ họ bướm, thường sống ở bụi rậm) khi bị bọn nhện ức hiếp. Cái hay của nội dung đoạn trích là đã chuyển tải đến học sinh cách bênh vực cho Nhà Trò của Dế Mèn không phải là trả đũa lại bằng bạo lực như bọn nhện đã làm với Nhà Trò. “Mấy bận bọn nhện đã đánh” Nhà Trò, “Hôm nay bọn chúng chăng tơ ngang đường đe bắt, vặt chân, vặt cánh ăn thịt” Nhà Trò. Dế Mèn mặc dù hùng dũng “xòe cả hai càng ra, bảo Nhà Trò: Em đừng sợ. Hãy trở về cùng với tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khỏe ăn hiếp kẻ yếu”. Và khi gặp bọn nhện thì “quay phắt lưng, phóng càng đập phanh phách ra oai”, nhưng chỉ dùng lời lẽ để bọn nhện hiểu ra lẽ phải: “Các ngươi có của ăn của để, béo múp béo míp… kéo bè kéo cánh đánh đập một cô gái yếu ớt thế này. Thật đáng xấu hổ!”. Trước thái độ kiên cường, dũng cảm và lời lẽ sắc bén, “bọn nhện sợ hãi, cùng dạ ran. Cả bọn cuống cuồng chạy dọc chạy ngang…”. Bài học bênh vực kẻ yếu của Dế Mèn bằng lý lẽ thuyết phục thật đắt giá, nhất là với lứa tuổi học sinh hiện nay thường dùng biện pháp bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Về mặt dùng từ, cả hai đoạn trích nhà văn Tô Hoài đã dùng hoàn toàn từ thuần Việt. Lại một bài học hay chuyển tải đến học sinh về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Về nghệ thuật nhân hóa, thì nhà văn Tô Hoài quả là bậc thầy khi những con vật Dế Mèn, Nhà Trò, bọn nhện… đã thật sự như con người sống động. Người đọc đã quên mất đây là những con vật mà như những con người trong xã hội. Cách ứng xử, hành động, lời nói… của các nhân vật đều tạo cho học sinh một sự gần gũi, rất thực. Chính vì vậy, những bài học rút ra từ nội dung đoạn trích đã thật sự gây ấn tượng sâu sắc trong tâm trí học sinh.
Cám ơn nhà văn tài hoa Tô Hoài đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó có Dế Mèn phiêu lưu ký. Dế Mèn sẽ mãi mãi bênh vực kẻ yếu bởi nó sẽ sống mãi với thời gian, với bao lứa học trò. Những bài học trong trường phổ thông cần lắm những đoạn trích, những tác phẩm giáo dục đạo đức con người, giáo dục cách ứng xử văn hóa một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc như đoạn trích Dế Mèn bênh vực kẻ yếu.
Lê Phương Trí (GV Trường TH Đống Đa, Q.4, TP.HCM)
Bình luận (0)