Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được Bộ GD-ĐT công bố mới đây có cấu trúc quen thuộc, mức độ kiến thức nhẹ nhàng – đáp ứng được yêu cầu xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, phù hợp với năm học chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có cấu trúc quen thuộc, mức độ kiến thức nhẹ nhàng
Cấu trúc quen thuộc, kiến thức nhẹ nhàng
Thầy Đặng Thanh Huân (Giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) cho hay, đề minh họa năm 2022 hoàn toàn giống nội dung chi tiết, từng dạng câu hỏi cụ thể và cấu trúc đề thi chính thức năm 2021. Căn cứ theo đề minh họa bộ môn tiếng Anh, 70% kiến thức trong đề là nhận biết, thông hiểu; 20% là vận dụng; 10% vận dụng cao.
Với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT, đề minh họa rất nhẹ nhàng, phù hợp với từng đối tượng học sinh, kể cả học sinh vùng miền. Với mức độ kiến thức trong đề thì học sinh trung bình, yếu cũng dễ dàng đạt điểm trung bình. Sẽ có nhiều học sinh khá giỏi đạt điểm cao và rất nhiều điểm 10. Trong bối cảnh Covid-19, học sinh phải vừa học trực tuyến, trực tiếp, đề thi minh họa có vai trò quan trọng hỗ trợ giáo viên, học sinh định hướng ôn tập phù hợp.
Tương tự, thầy Phan Thế Hoài (Giáo viên ngữ văn, Trường THPT Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) đánh giá đề minh họa môn ngữ văn năm 2022 phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH.
Cầu trúc đề giống với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Để làm tốt, đối với phần đọc hiểu học sinh cần nắm một số thể thơ, hiểu được nội dung của văn bản. Ở phần nghị luận xã hội, chú ý bàn một khía cạnh, vấn đề hẹp, từ văn bản đọc hiểu. Phần nghị luận văn học học sinh cần nắm kỹ năng làm bài nghị luận một đoạn thơ hay một đoạn trích văn xuôi, nắm vững nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
Không chủ quan học tủ, học vẹt
Thầy Phạm Lê Thanh (Giáo viên hóa, Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11) nhìn nhận, cấu trúc đề minh họa năm nay giữ tính ổn định so với các năm trước về nội dung kiến thức.
Đề có khoảng 4 câu lớp 11, còn lại đa số nằm trong chương trình lớp 12. Các câu lý thuyết và bài toán cơ bản trải dài từ câu 1 đến câu 30, sắp xếp từ mức độ biết, hiểu đến vận dụng thấp dao động từ 6.5 đến 7,5. Học sinh trung bình, khá có thể giải quyết tốt các câu này nếu được rèn luyện lý thuyết kỹ và thường xuyên luyện tập.
Từ câu 71 trở đi có 6 câu có tính phân hóa cao với các câu tính toán hóa học phức tạp, qua nhiều bước làm. Để giải quyết các câu này học sinh không những phải nắm vững bản chất hóa học mà còn phải có tư duy nhạy bén, kết hợp toán học, các công cụ phương pháp giải nhanh, kỹ thuật suy đoán mới có thể giải quyết được.
“Đề minh họa giúp học sinh hình dung ra được kiến thức ôn tập dàn trải từ lớp 11 đến 12, ma trận đề bao phủ nhiều mức độ, học sinh tránh quan niệm ôn tủ, học vẹt các dạng câu này mà không ôn tập sâu rộng sẽ dễ mắc nhiều lỗ hổng kiến thức và không đạt kết quả như mong đợi”, thầy Thanh nhấn mạnh.
Thầy Trần Ngọc Anh (Giáo viên địa lý, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) nhìn nhận, đề minh họa hay, thể hiện tốt sự phân hóa đối tượng học sinh. Nội dung đề thi bám sát chương trình giải tải. So với đề thi chính thức năm 2021, cấu trúc đề minh họa năm 2022 tương đối trùng khớp, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong quá trình ôn luyện và cũng đảm bảo tính ổn định trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu đến hoạt động giáo dục.
Ma trận đề được thiết kế với 75% kiến thức cơ bản ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 25% kiến thức nâng cao với mức độ vận dụng thấp và vận dụng cao.
“Từ cấu trúc đề minh họa, học sinh ôn tập cần nắm vững các kiến thức cơ bản trong SGK Địa lí 12, bao gồm cả kiến thức cơ bản về khái niệm, đặc điểm, biểu hiện hoặc các hệ quả địa lý và các kiến thức nâng cao về liên hệ, vận dụng, so sánh, tổng hợp…; bên cạnh đó cần rèn luyện thường xuyên các nhóm kỹ năng như đọc Altat từng trang, nhận xét biểu đồ – bảng số liệu, tính toán địa lý, chọn biểu đồ thích hợp…”, thầy Ngọc Anh khuyên.
Học sinh không nên chủ quan khi thấy đề minh họa nhẹ nhàng
Ở bộ môn GDCD, thầy Phạm Thanh Tuấn (Giáo viên GDCD, Trường THCS – THPT Diên Hồng, Q.10) nhận định, đề minh họa năm 2022 tương tự như đề các năm trước, nội dung chủ yếu trong chương trình GDCD lớp 12 và phần kinh tế ở lớp 11. Số câu nhận biết chiếm 50% điểm của bài thi, thông hiểu chiếm 25%, vận dụng 15% và vận dụng cao là 10%, phù hợp với năng lực học sinh trong năm học đặc biệt.
Với mức độ kiến thức của đề, thầy Tuấn cho hay, nếu học sinh nghe giảng, chịu khó học bài thì có thể làm bài đạt từ 9 điểm. Các câu phân tích và bài tập chỉ cần học sinh đọc kỹ, phân tích là có thể làm được.
“Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề minh họa, tôi đã cho học sinh giải thử, đa số các em làm bài đạt từ 8.5 điểm trở lên. Không có em nào dưới 8 điểm. Trong tình hình dịch bệnh, các em có thể vắng học vì các lý do khách quan, do điều trị bệnh. Nhưng các em hoàn toàn có thể xem sách giáo khoa, nghe thầy cô ôn tập thì hoàn toàn có thể hoàn thành tốt bài thi. Có thể đánh giá mức độ đề hoàn toàn phù hợp với tình hình dạy và học trong năm học này”, thầy Tuấn đánh giá.
Dù vậy, giáo viên này khuyên rằng học sinh không nên chủ quan với mức độ kiến thức của đề mà cần xây dựng kế hoạch ôn tập, nắm thật vững những kiến thức cơ bản, chú trọng luyện tập ở những phần kiến thức còn chưa nắm chắc, rèn kỹ năng để tự tin bước vào kỳ thi đạt kết quả cao.
Giang Quân
Bình luận (0)