Thời gian gần đây, có một hiện tượng đáng mừng là nhiều nhà trường, nhiều thầy cô giáo bỏ công sức, trí tuệ để nghiên cứu việc ra đề thi cho học sinh; mục đích là làm sao cho các em vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học được cùng với kinh nghiệm của bản thân để xử lý vấn đề nào đó trong đời sống thực tế hằng ngày chứ không gò bó trong những dung lượng mà sách giáo khoa cung cấp. Việc ra đề thi này gọi là đề mở.
Việc đưa ra những đề mở rất đáng khuyến khích và hoan nghênh, giúp học sinh phát triển được phẩm chất và năng lực của bản thân để tự tin bước vào đời. Thế nhưng đề mở cần phải có một tỷ lệ nhất định, phù hợp với lứa tuổi, đời sống thực của học sinh trên nền tảng truyền thống văn hóa của dân tộc chứ không phải lúc nào cũng phải ra đề mở; cần tránh khuynh hướng cực đoan “mở” một cách tùy tiện bằng việc đưa “sự kiện nóng” mang tính nhất thời vào đề thi. Vì không phải vấn đề thời sự nào cũng cần được khuyến khích học sinh phân tích, mổ xẻ, bởi lẽ trong thực tế có những vấn đề thời sự rất nhạy cảm cần có thời gian để kiểm chứng giá trị của nó. Có một vấn đề không thể không nói là chỗ này, chỗ kia có hiện tượng “câu khách” qua việc ra đề thi, càng ra nhiều đề thi đưa “sự kiện nóng” vào thì sẽ được xã hội ca ngợi. Đây là điều cần nên xem lại vì rằng mục đích của việc ra đề mở là khuyến khích sự hiểu biết của học sinh, sự hiểu biết có tính định hướng đúng đắn, chứ không phải là việc khuyến khích hiểu biết tùy tiện.
Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng)
Bình luận (0)