Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đề mở có cần đáp án?

Tạp Chí Giáo Dục

 

Đề thi tuyển sinh đại học môn văn năm nay được đánh giá mở hơn nhiều. Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng, đã là đề mở thì cần gì đến đáp án chấm.
Thí sinh trong buổi thi môn văn ngày 9/7  Ảnh: Hồng Vĩnh
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của một giáo viên văn THPT nhiều năm kinh nghiệm.
Đề văn khối C, D, nhất là câu thứ 2, thuộc về dạng bài nghị luận xã hội, được dư luận đánh giá hay, mới, sáng tạo, là bước đổi mới, cải tiến cần thiết của Bộ GD&ĐT trong bối cảnh tình trạng dạy học – văn đang ảm đạm.
Thực ra, trong chương trình, sách giáo khoa ngữ văn hệ cũ trước đây (30 năm) và hệ cải cách (đã kết thúc sứ mệnh từ năm 2008), đâu thiếu những chỉ dẫn, những đề bài thuộc về nghị luận xã hội.
Trong tám bài viết cho mỗi năm học, học sinh phải làm đến 2 – 3 bài về dạng đề mở, nghị luận xã hội, theo quy định của phân phối chương trình. Nhưng đến thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh và đại học, cao đẳng trong thời gian dài trước đây, không hiểu sao Bộ GD&ĐT, những người ra đề lại chẳng đả động gì tới câu, đề nghị luận xã hội, mà chỉ thấy toàn là các câu, đề nghị luận văn học.
Bắt đầu từ năm 2007, dạng đề văn mở, nghị luận xã hội mới được đánh giá, quan tâm hơn. Trong sách giáo khoa từ lớp 6 tới lớp 12, ta bắt gặp vô số hướng dẫn, đề bài, câu hỏi thuộc kiểu đó. Các em cũng được thể hiện, thử sức mình đến 2 – 3 bài văn thuộc dạng đề mở trong từng năm học.
Qua những cơ sở trên, ý kiến cho rằng, câu 2, dạng đề mở ở đề thi đại học khối C, D là quá bất ngờ, gây khó khăn cho thí sinh, vì các em chưa quen, chưa được rèn luyện trong quá trình học tập, là thiếu căn cứ, chưa hiểu sâu về chương trình sách giáo khoa hiện hành.
Chính vì lý do nêu trên, đáp án của Bộ GD&ĐT và cách chấm của giám khảo đang là nỗi băn khoăn không nhỏ của dư luận, nhất là các phụ huynh, học sinh có thi khối C, D.
Vì là đề mở, phạm vi vấn đề lại khá rộng lớn, không muốn nói là mênh mông, nên chắc chắn trong nhiều bài làm của thí sinh, đặc biệt khối C, sẽ rất đa dạng phong phú về ý và cách diễn đạt, thậm chí, có nhiều ý không nằm trong khung, sườn đáp án, chiếm gần 300 từ cho hai câu. Vậy thì các giám khảo căn cứ vào đâu để thẩm định, đánh giá, cho điểm chính xác các bài làm đó?
Có người cho rằng, đã là đề mở rồi, thì cần gì đến đáp án chấm nữa. Trong trường hợp này, đáp án, có ba rem chi li từ 0,25 – 0,5 điểm sẽ biến việc chấm văn thành chấm điểm các môn tự nhiên, giết chết mọi khả năng sáng tạo, tìm tòi rất tiềm tàng, phong phú, nhiều chiều của học sinh.
Nhìn chung, với dạng đề mở, vốn quen thuộc, từng được tập dượt khá thường xuyên trong chương trình học, thí sinh sẽ không gặp trở ngại nào, viết rất thoải mái, dễ dàng. Thí sinh dễ viết bao nhiêu thì việc chấm bài của giám khảo sẽ khó khăn bấy nhiêu.
Giáo viên văn cấp THPT chúng tôi chấm các bài viết thuộc về nghị luận xã hội cho học sinh ở trường bao giờ cũng kỳ công, cần suy nghĩ, cân nhắc nhiều và thời gian thẩm định thường gấp đôi so với đề nghị luận văn học. Trong khi đó, giáo viên văn THPT quen chấm dạng đề đó thường lại không được chấm thi tuyển sinh đại học.
Thay vào đó, giảng viên đại học chấm bài là chủ yếu. Mà giảng viên đại học, lại khá xa lạ với chương trình phổ thông, liệu họ có đánh giá, thẩm định đúng chất lượng bài làm văn, nhất là câu 2 (dạng mở) của thí sinh không?
Tuy nhiên, dưới góc độ của một thầy giáo có hàng chục năm đi chấm thi tốt nghiệp, tuyển sinh, chấm thanh tra, chấm phúc khảo, chấm học sinh giỏi, tôi khẳng định, chấm văn không có đáp án sẽ dẫn đến giám khảo chấm tùy hứng, thiếu đồng bộ, gây thiệt thòi, bất công lớn đối với thí sinh.
Dẫu cho môn văn có đặc trưng, đặc thù riêng, đòi hỏi cao ở tìm tòi, sáng tạo, hiểu biết của người học, trong mỗi đề văn, có những yêu cầu cụ thể vẫn cần có cái đáp án làm điểm tựa, làm chuẩn để định hướng, gợi mở cho các giám khảo.
Để kết thúc bài viết này, tôi vẫn muốn nhấn mạnh, đáp án chỉ là điều kiện cần, còn người chấm mới là điều kiện đủ.
Đỗ Tấn Ngọc/TPO
THPT Huỳnh Thúc Kháng, Quảng Ngãi

 

Bình luận (0)