Trong quá trình nâng cao chất lượng dạy và học ở trường phổ thông, đổi mới chương trình và sách giáo khoa là vấn đề then chốt. Một trong những yêu cầu của việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa là cần có sự tương thích, liên thông, đồng bộ giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp và kiểm tra đánh giá. Việc cải tiến, đổi mới trong đề thi, kiểm tra sẽ có tác động đáng kể tới phương pháp dạy – học của giáo viên và học sinh. Một xu hướng tích cực trong việc ra đề thi, kiểm tra ở các trường học thời gian gần đây đó là, dạng đề “mở” không chỉ được ra trong các môn khoa học xã hội mà đã bắt đầu được sử dụng nhiều trong các môn khoa học tự nhiên.
Ở môn ngữ văn, khác với dạng đề truyền thống thường kèm theo những “mệnh lệnh”, gợi dẫn về thao tác lập luận như: “hãy chứng minh…”, “hãy phân tích…”, “hãy giải thích…”, “hãy bình luận…”; hoặc phương thức biểu đạt như: “hãy phát biểu cảm nghĩ…”, “hãy kể…”. Đề “mở” là loại đề chỉ nêu vấn đề cần bàn luận trong bài nghị luận hoặc chỉ nêu đề tài để viết văn miêu tả, tự sự. Chẳng hạn như: điều kỳ diệu của tình yêu thương, kỷ niệm ngày tựu trường, bệnh vô cảm của con người thời hiện đại, tình yêu thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi, chất “thép” và chất “tình” trong thơ Hồ Chí Minh… Tùy thuộc vào nội dung vấn đề, đề tài được nêu ra trong đề bài mà người viết lựa chọn và quyết định sử dụng các thao tác nghị luận phù hợp. Thông thường là phải kết hợp, vận dụng nhiều thao tác khác nhau trong bài viết. Đề “mở” yêu cầu cao ở học sinh sự sáng tạo, linh hoạt, những suy nghĩ, cách cảm thụ độc lập, khó có thể lệ thuộc vào các loại tài liệu tham khảo.
Không chỉ với các môn khoa học xã hội, xu hướng ra đề theo hướng “mở” còn xuất hiện ở các môn khoa học tự nhiên. Chẳng hạn câu hỏi ở môn hóa học lớp 12: Động Phong Nha – Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình là một trong những di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam. Những thạch nhũ tuyệt đẹp ở động Phong Nha – Kẻ Bàng đã góp phần thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến với Quảng Bình mỗi năm. Cùng với Phong Nha – Kẻ Bàng, đất nước ta còn có những hang động đá vôi tuyệt đẹp như động Hương Tích ở Mỹ Đức (Hà Nội), hang Bồ Nông ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Phản ứng nào giải thích quá trình tạo thạch nhũ? Hay những vấn đề mang tính thời sự cũng xuất hiện trong các đề thi, chẳng hạn: Vừa qua, báo chí đưa tin nguồn phóng xạ của Nhà máy thép Pomina 3 (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã bị thất lạc, các nguồn phóng xạ có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người. Nếu phát hiện một thiết bị có khả năng chứa nguồn phóng xạ thì chúng ta sẽ quan sát trên thiết bị có ký hiệu nào?… Việc ra đề theo hướng “mở” cũng có thể được sử dụng ở môn toán, vốn được xem là môn học khô khan. Ví dụ như đưa cách tính tiền taxi để yêu cầu học sinh vận dụng vào các dạng bài giải tích tổ hợp.
Rõ ràng, việc thay đổi cách đánh giá, cách ra đề thi, kiểm tra sẽ giúp giáo viên thay đổi được phương pháp giảng dạy. Cùng với các môn khoa học xã hội, việc ra đề thi theo hướng “mở” ở các môn khoa học tự nhiên sẽ góp phần đưa hơi thở cuộc sống, kiến thức xã hội gần hơn với học sinh để các em cảm thấy thích thú. Từ đó có thể dễ dàng vận dụng những kiến thức đã học trong nhà trường vào thực tế, mặt khác còn góp phần hình thành kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử phù hợp đối với những vấn đề đặt ra trong cuộc sống thường nhật.
Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên Trường THPT Kim Liên, Nghệ An)
Bình luận (0)