Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Để mọi phụ nữ và trẻ sơ sinh được tiếp cận dịch vụ hộ sinh có chất lượng (11/11/2011)

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Đây là mong muốn của các đại biểu trong Hội thảo Công bố Báo cáo tình trạng hộ sinh thế giới lần thứ I năm 2011, do Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức tại Hà Nội ngày 10-11.
Hội thảo đã tập trung vào 58 quốc gia có tỷ lệ tử vong mẹ và sơ sinh cao, nhằm khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch ở các quốc gia phải có trách nhiệm " Chăm sóc sức khỏe, cứu sống con người”. 
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại BV Bạch Mai
Ảnh: Minh Huyền
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS-TS Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hàng năm trên thế giới có khoảng 350.000 phụ nữ tử vong trong thời gian mang thai hoặc sinh đẻ, 2 triệu trẻ sơ sinh qua đời trong vòng 24 giờ sau khi sinh và có 2,6 triệu ca thai chết lưu. Phần lớn những ca tử vong này xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và hầu hết có thể phòng tránh được.
Tại Việt Nam, sau 10 năm ( 2001-2010) thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dân số, Chiến lược quốc gia về Chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ 4,5 và 6, chúng ta đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực về sức khỏe bà mẹ và trẻ em. So với thời điểm năm 1999-2000, tỷ số chết mẹ và tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm mạnh ở tất cả các vùng. Đó là nhờ có đội ngũ cán bộ hộ sinh lớn, một lực lượng chính trong những người đỡ đẻ có kỹ năng, thành thạo về chuyên môn. Họ có mặt ở khắp nơi từ tuyến Trung ương cho đến tuyến xã, phường. Về cơ bản, các dịch vụ hộ sinh ở nước ta đã được lồng ghép tại cộng đồng và trong hệ thống y tế, đảm bảo tính liên tục trong chăm sóc thiết yếu suốt thời gian mang thai, trong khi sinh nở và các giai đoạn sau đó. Tuy nhiên Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đó là tỷ lệ tử vong mẹ còn chênh lệch lớn giữa các khu vực, vùng miền, tử vong sơ sinh vẫn còn khá cao. Tình trạng đẻ tại nhà, đẻ không được cán bộ y tế đã qua đào tạo còn phổ biến ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Chất lượng một số dịch vụ chăm sóc sức khoẻ (CSSK) sinh sản và một số vấn đề sức khoẻ sinh sản (SKSS) vẫn chưa được quan tâm đúng mức, như việc đáp ứng nhu cầu thông tin, kiến thức, dịch vụ về SKSS, sức khỏe tình dục cho các nhóm vị thành niên, thanh niên, nam giới, người di cư, người khuyết tật, người có HIV…
Ông Bruce Cambell- Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc khuyến cáo, trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người ở các quốc gia đang phát triển phải sinh con một mình, hoặc sinh con mà chỉ có người thân chứng kiến giai đoạn nguy hiểm nhất mà họ phải trải qua trong cuộc đời mình. Ở những quốc gia nghèo nhất, chỉ có khoảng 13% các ca sinh đẻ do các hộ sinh hoặc cán bộ y tế có kỹ năng hộ sinh cần thiết thực hiện giúp cứu sống bà mẹ và trẻ sơ sinh. Mỗi ngày có 1.000 sản phụ tử vong và 5.500 trẻ sơ sinh chết trong vòng một tuần sau khi sinh do không được chăm sóc y tế đầy đủ. Trong khi đó, lực lượng hộ sinh lại đang thiếu hụt trầm trọng. Hiện, thế giới cần bổ sung 350.000 nữ hộ sinh vào năm 2015 mới đáp ứng được yêu cầu và ngăn chặn được số ca tử vong của mẹ và bé do biến chứng thai sản. TS Lưu Thị Hồng -Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam có 33% bệnh viện huyện chưa thực hiện được mổ lấy thai và 48% chưa có khả năng truyền máu. Ngoài ra còn 517 trạm y tế xã chưa có hộ sinh, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa miền núi, nơi có điều kiện đi lại khó khăn. Thai phụ ở những vùng này luôn chịu sự thiếu hụt các dịch vụ chăm sóc thai sản mà lẽ ra họ cần phải có. Đây là một trong những trở ngại lớn trong việc hỗ trợ sinh đẻ và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước và sau sinh.
Nhằm khuyến khích các quốc gia xây dựng kế hoạch hành động chung, ông Wo Guogao- Phụ trách văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới đề nghị, các quốc gia cần phải nỗ lực hơn để đảm bảo rằng hộ sinh có được công việc phù hợp, được bảo vệ, được hưởng chế độ khen thưởng, được động viên khích lệ và giúp họ có động lực làm việc. Hộ sinh không chỉ hỗ trợ sinh đẻ mà còn cung cấp các dịch vụ chăm sóc trước và sau sinh. Họ là những người đảm bảo sự sống còn của phụ nữ và trẻ em.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã đề ra kế hoạch, trong thời gian tới Việt Nam sẽ xem xét và áp dụng những khuyến nghị được đưa ra trong bản báo cáo, nhằm nâng cao hơn nữa vị thế và tầm quan trọng của hộ sinh và công tác hộ sinh trong hệ thống chăm sóc y tế, cải thiện chất lượng dịch vụ hộ sinh, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dân số- Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020.
Theo ĐN
(DaiDoanKet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)