Tuy gặp nhiều khó khăn, biến động do khủng hoảng kinh tế tài chánh trên phạm vi toàn thế giới nhưng Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã sớm vượt qua và kết thúc năm 2009 trong tình hình khá sáng sủa. Những chỉ tiêu chung của cả nước và thành phố, đặc biệt là về lĩnh vực GD-ĐT đều đạt và vượt. So với thập kỷ trước, trong mười năm đầu của thế kỷ mới, tình hình kinh tế xã hội đã tiến một bước khá xa. Riêng GD-ĐT cả nước và thành phố, đạt thành tựu vượt bậc về quy mô phát triển, về chất lượng đào tạo; nhất là về phổ cập giáo dục, phổ cập nghề nghiệp.
Bước vào năm mới, năm 2010, tuy không hẳn đã hết khó khăn nhưng những dự báo đều cho thấy tình hình kinh tế xã hội, văn hóa, giáo dục… hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc. Năm 2010 cũng là năm có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng có thể tạo động lực thi đua phát triển: Kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng, 35 năm giải phóng miền Nam, 65 năm thành lập Nước, 120 năm Ngày sinh Hồ Chủ tịch, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, 10 năm thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội về đổi mới nội dung chương trình và sách giáo khoa phổ thông v.v…
Đặc biệt năm 2010 cũng là năm Đảng và Nhà nước thông qua đại hội Đảng các cấp tiến hành rà soát, đánh giá toàn bộ tình hình nhằm xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho thập niên mới, trong đó có chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020. Với bản thiết kế đúng ngay từ năm 2010 hy vọng chúng ta sẽ có những mùa Xuân đẹp hơn, huy hoàng hơn trong thời gian tới. Thời gian đương nhiên không chờ đợi. Xuân này, không còn quá sớm để chuẩn bị – nhất là chuẩn bị nguồn nhân lực – cho những mục tiêu mong đợi sẽ hiện thực trong 10 năm sau!
Những gì đang và sẽ diễn ra trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ này trên bình diện thế giới, đó là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hậu công nghiệp với nền kinh tế tri thức trong điều kiện hội nhập và phát triển, buộc giáo dục nước nhà phải cấp thiết đổi mới một cách căn bản, toàn diện và mạnh mẽ. Đổi mới theo hướng hiện đại, tiên tiến và đậm bản sắc dân tộc. Thông báo 242 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 – khóa VIII” đã nêu mục tiêu chiến lược “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta có một nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Đó cũng là cơ sở định hướng xây dựng, phát triển nguồn lực con người trong tương lai.
Bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ mới, GD-ÐT TP.HCM đã có trong tay những tiền đề thuận lợi của 10 năm đầu phấn đấu thành công. Đó là bề dày 10 năm thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp ngày càng hiện đại, 5 năm xây dựng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, 10 năm đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, kinh nghiệm hoàn thành chỉ tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở, và nay vừa hoàn thành phổ cập bậc trung học… Tất cả khởi đi từ năm 1999, năm đầu tiên Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân chọn giáo dục làm chủ đề chính cho kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố. Tuy vậy, để bước vào giai đoạn mới một cách bền vững và mạnh hơn theo tinh thần Thông báo 242, GD-ĐT TP.HCM còn phải đối mặt và vượt qua nhiều thách thức mới. Đó là trình độ, phẩm chất đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; là cơ sở vật chất luôn bị quá tải do tình trạng nhập cư; là khoảng cách giữa học và hành, giữa đào tạo nhân lực với nhu cầu xã hội; là yêu cầu hội nhập, phát triển…
Trong dòng chảy của ngành và của xã hội, Báo Giáo Dục TP.HCM đã có bước chuẩn bị tốt cho sứ mạng thông tin của mình ngay từ những năm đầu của thập kỷ này. Qua 15 năm kể từ ngày thành lập, đặc biệt là sau 10 năm đổi mới và phát triển, nay Báo Giáo Dục TP.HCM đã tăng mạnh về quy mô các loại ấn phẩm theo quy hoạch, đồng thời năng lực thông tin cũng tăng hơn trước cả trăm lần. Tuy ra đời có trễ nhưng đến nay Giáo Dục TP.HCM cũng đã góp mặt với làng báo thành phố và cả nước đủ các loại ấn phẩm dành cho các đối tượng cần phục vụ trong và ngoài ngành giáo dục: “Mẹ và Con” ở mầm non, “Tuổi Thơ” cho học sinh tiểu học, định hướng “Văn Thể Mỹ” (VTM) cho lứa tuổi teen bậc trung học, cao đẳng, đại học và tờ cách nhật thời sự xã hội nghề nghiệp dành cho giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh; về hình thức, Giáo Dục có báo in và báo điện tử. Các hoạt động phía sau mặt báo cũng rất mạnh với những cuộc thi, chương trình ca nhạc… đã trở thành hoạt động truyền thống hàng năm, thiết thực hỗ trợ cho công tác dạy và học. Vì những đóng góp trong nhiệm vụ thông tin và chương trình hợp tác phát triển giáo dục, trong năm qua Báo Giáo Dục TP.HCM đã được Chính phủ, UBNDTP và Bộ GDĐT tặng nhiều bằng khen.
Bước vào năm mới, ấn phẩm đặc biệt Giáo Dục TP.HCM với chủ đề “Tiên tiến và Bản sắc” muốn gửi đến bạn hương vị đậm đà của ngày Tết cổ truyền, bên cạnh là những phác thảo về một nền giáo dục tiên tiến mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời giai phẩm Xuân này cũng hy vọng đem đến bạn đọc những điển hình quản lý tích cực, các chân dung nhà giáo đã trọn đời vì thế hệ trẻ, nhiều cơ sở giáo dục triển vọng… Những điều tốt đẹp đó như là lời tri ân, lời cầu chúc của tập thể cán bộ, phóng viên và nhân viên Báo Giáo Dục TP.HCM gửi đến bạn đọc – người bạn đồng hành, nhân mùa Xuân mới đang đến với tất cả chúng ta.
Nghiêm Ý
Bình luận (0)