Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Để “mùi hương” bay đi…

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nước cốt chanh giúp khử mùi hôi

Hôi nách không phải là bệnh, tuy nó không nguy hại đến sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng nhiều trong sinh hoạt, gây thiếu tự tin và thoải mái trong giao tiếp cho người bị mắc phải.
Đặc biệt là trong thời tiết nóng bức như hiện nay, mồ hôi của người bị hôi càng gây phiền toái cho chính bản thân mình và những người xung quanh.
Nỗi niềm biết tỏ cùng ai?
Chị Hồng Hạnh (quận 3 – TP.HCM) kể: “Con gái tôi 17 tuổi đang học lớp 11, ngoại hình khá nhưng có một nhược điểm rất khó khắc phục là bị hôi nách khá nặng mùi. Tôi rất thương và khổ tâm khi thấy con mình không tự tin trước bạn bè và cả người thân. Ở nhà, dù nóng nực nhưng con tôi cũng chưa bao giờ dám mặc áo hai dây. Hồi cấp 2, có lần con tôi còn đòi nghỉ học vì bạn bè cứ chọc là “công chúa hôi nách”. Nhiều người mách tôi nhiều cách chữa nhưng không khỏi”.
Anh Thanh N. (nhân viên kế toán của Công ty P.P) luôn cảm thấy mất tự tin mỗi khi ra đường. N. ngại nhất là vào những chốn đông người trong cùng một phòng kín. N. cho biết bị mắc chứng hôi nách do di truyền từ mẹ. Mặc dù đã 25 tuổi nhưng N. chưa dám có bạn gái bởi mặc cảm “ bản thân mình còn sợ ngửi phải mùi này, nói gì đến người yêu mình”. Còn chị Kim K. (quận Tân Bình – TP.HCM) không nhớ mình “dính” phải mùi này từ khi nào, chỉ biết nỗi khổ này không thể nói nên lời được. Lúc nào trong túi xách của chị cũng mang theo lăn khử mùi để sẵn sàng “ứng chiến” khi có dấu hiệu. “Thế mà có lần, do vội vàng nên tôi để quên túi xách ở nhà, trời nắng nóng, tôi mặc áo voan không thấm được mồ hôi nên “mùi hương” có cơ hội lộng hành. Nhìn mọi người nhăn mặt khó chịu, lúc đó tôi ước mình có thể độn thổ được” – chị K.  kể.
Theo BS. Trần Minh Bảo Luân (Phòng khám Lồng ngực – Mạch máu Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) thì đây là một rối loạn chức phận tiết mồ hôi, kèm theo rối loạn chuyển hóa một số chất trong thành phần mồ hôi. Khi cơ thể tiết mồ hôi để điều hòa thân nhiệt thì vùng da dưới cánh tay sẽ trở nên ẩm ướt tạo ra vi khuẩn. Khi cư ngụ ở đấy, thức ăn chính của vi khuẩn là các chất bã được cơ thể bài tiết theo các tuyến mồ hôi. Các vi khuẩn này sẽ tiết ra một loại chất tạo nên “mùi hương” khó chịu. Thêm một vài nguyên nhân khác như việc ăn hành tây, thức ăn cay, thực phẩm chứa cafein… cũng được coi là thủ phạm làm tăng thêm mùi hôi ở vùng này.
Khó khăn trong điều trị
BS. Trần Minh Bảo Luân cho biết, hôi nách không nguy hiểm nhưng điều trị lại rất khó khăn, cơ bản là người bị chứng này phải biết cách tiết chế “mùi hương” cho mình. Mùi hôi ở nách là do vi khuẩn mà ra, vì vậy, nếu muốn sạch mùi thì phải diệt vi khuẩn trước. Nên thường xuyên tắm gội và làm vệ sinh dưới cánh tay để vi khuẩn không có chỗ cư ngụ.
Cũng có thể áp dụng kinh nghiệm dân gian như sau khi tắm rửa sạch sẽ, dùng phèn chua phi lên tán thành bột, mỗi tuần xát 3-4 lần vào nách, mồ hôi ở nách ra gặp phèn chua mùi hôi bị khử đi. Hoặc tắm xong, lấy cục phèn chua to xát vào nách, bảo đảm trong 2-3 ngày mùi hôi nách sẽ không tỏa ra. Sắp vào nhà ai, nếu mồ hôi đang đầm đìa, hãy lấy ngay vài lát chanh xát vào nách sẽ hết mùi hôi. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại mỹ phẩm khử mùi hôi nách. Nhưng tuyệt đối, không nên dùng loại lăn nách có mùi thơm quá vì mùi thơm này khi kết hợp với mùi cơ thể thì sẽ tạo nên thứ mùi rất khó chịu.
Hiện nay có hai phương pháp ngoại khoa điều trị hôi nách là: Phương pháp loại bỏ tuyến mồ hôi nách và phương pháp sử dụng máy hút mỡ điều trị hôi nách. Tuy nhiên, BS. Bảo Luân khuyến cáo, trước khi điều trị bằng hai phương pháp này cần được BS tư vấn và chỉ nên thực hiện tại bệnh viện có uy tín.
Bài, ảnh: THU HIỀN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)