Từ một vùng đầm lầy với dừa nước bao phủ, đất nhiễm phèn, Nam Sài Gòn đã có một diện mạo mới góp phần thay đổi hình ảnh vùng ven nghèo khó của hơn 20 năm trước.
Từ một vùng đầm lầy, trường học tạm bợ nay đã đổi thay về mọi mặt |
Ký ức về xứ đầm lầy hoang vu
Ông Lê Văn Cư (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) nhớ lại: Khoảng 20 năm về trước, Nhà Bè tách biệt với trung tâm thành phố, điều kiện sống, sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Muốn xem kịch, cải lương thì phải đi thành phố từ lúc 4-5 giờ chiều mới kịp. Con đường độc đạo dẫn về trung tâm xã là đường đất nắng bụi mưa lầy, nhà cửa thưa thớt. Chỉ tay về phía chân cầu Rạch Đỉa 1, ông Cư nói: “Trai trẻ dạn đến mấy cũng chẳng mấy ai dám qua lại khu này vào buổi tối bởi đầm lầy hoang vu, đường sá tạm bợ”.
Gần 70 năm sống ở vùng trũng Nhà Bè, chứng kiến biết bao biến cố, thăng trầm, kỷ niệm đẹp nhất đọng lại trong tâm trí ông Cư không gì khác ngoài tiếng vó ngựa trên con đường làng. “3-4 giờ sáng là có chuyến xe ngựa đầu tiên đưa người dân đi chợ. Tiếng vó ngựa cũng là chiếc đồng hồ báo thức của bà con vùng này”, ông Cư kể.
Ngoài xe ngựa, phương tiện đi lại chủ yếu của người dân vùng sông nước này là ghe, đò. Theo ông Cư, lúc bấy giờ nhà nghèo đến mấy cũng có chiếc ghe chèo vừa là phương tiện đi lại, vừa để mưu sinh.
Về sau, đường liên xã Tân Quy, Tân Kiển (sau này đường Lê Văn Lương chạy qua các P.Tân Quy, Tân Kiển, Tân Hưng, Tân Phong (Q.7) và các xã Phước Kiển, Nhơn Đức, Phước Lộc (huyện Nhà Bè) đến tiếp giáp địa phận xã Long Hậu, tỉnh Long An) được nâng cấp, mở rộng cũng là lúc vắng dần những chuyến xe ngựa, thay vào đó là xe lam, xe buýt 12 chỗ.
Sinh ra trong những ngày đầu miền Nam giải phóng, anh Lê Văn Minh (P.Tân Phong, Q.7) cũng là một nhân chứng của biết bao đổi thay nơi vùng đất này. “Thoáng cái đã hơn 40 năm, mọi thứ thay đổi đến chóng mặt, đến không ngờ. Trước muốn đi thành phố không đơn giản, phải bỏ nửa ngày chứ chẳng ít nhưng nay chỉ cần 10-15 phút đi xe buýt hoặc xe máy là tới. Chừng 25 năm trước, mới 6 giờ chiều nhưng cả làng quê như chìm vào đêm đen, trong nhà nhìn ra đồng không mông quạnh. Nay nhà phố cao vút, đô thị hiện đại mọc lên, cầu đường mở ra dần xóa khoảng cách giữa thành thị và nông thôn”, anh Minh nói.
Thời điểm ấy, gia đình có đất nông nghiệp nhưng trồng trọt cho năng suất kém do nhiễm phèn nặng, thanh niên trong xã phải đi làm thuê kiếm sống. Anh Minh cũng là một trong số thanh niên phải bươn chải tìm việc khi chưa học hết THPT. Kinh qua đủ nghề, từ trên bờ đến sông nước rồi anh cũng chọn cho mình nghề xây dựng để bám trụ, xây dựng cuộc sống gia đình. Anh tự hào vì bản thân đã góp một phần thay đổi hình ảnh của một vùng quê nghèo khó.
Không riêng gì anh Minh, người dân Nam Sài Gòn một thời lam lũ với ruộng đồng khấp khởi vui vì những đổi thay tích cực của làng quê song không giấu nỗi lo lắng trước sự phát triển ồ ạt của đô thị, trong khi quản lý hành chính còn lỏng lẻo dẫn đến phức tạp về an ninh trật tự. “Xưa vùng này yên bình, lối xóm đùm bọc nhau. Nay hàng quán mọc lên san sát, khách nhậu nhẹt thâu đêm. Nhà nhà tận dụng từng mét đất để cho thuê, kinh doanh phòng trọ, phá đi những luống rau, giàn bầu khiến không gian sống thu hẹp. Nhiều kênh rạch dẫn ra sông là nơi bọn trẻ đi câu cá bóng dừa, hái bồn bồn, dừa nước mưu sinh nay cũng bị san lấp”, anh Minh lo lắng.
Một Nam Sài Gòn mới
Hạ tầng giao thông Nam Sài Gòn phát triển, nối các cửa ngõ vào thành phố với các tuyến đường chính như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Hoàng Quốc Việt… Đường thủy có cảng biển Hiệp Phước, cảng Lotus, sông Lòng Tàu, Soài Rạp có khả năng đón tàu có trọng tải lớn quốc tế. Nhiều năm trước, khu Nam Sài Gòn đã được thành phố quy hoạch, chọn vị trí làm tiền đề phát triển đặc khu kinh tế với cụm KCX Tân Thuận, KCN Hiệp Phước…
Nam Sài Gòn còn là không gian sống lý tưởng, đáp ứng khá đầy đủ những tiêu chí của một thành phố hiện đại, không chỉ người dân trong nước mà cả người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM cũng muốn sở hữu một nơi an cư. Đó là những khu dân cư, dự án nhà phố, căn hộ đã và đang hình thành như Him Lam kênh Tẻ, Sunrise, Sadeco, Hoàng Anh Gia Lai, Phước Kiển, Trung Sơn, Daragon City…
Một góc Nam Sài Gòn thanh bình, yên ả |
Ngoài thị trường bất động sản, Nam Sài Gòn còn đi lên với mô hình kinh tế nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao. Ông Đoàn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, chia sẻ: Từ vùng đất nông nghiệp, người dân Q.7, Bình Chánh và Nhà Bè cũng sớm chuyển đổi và thích nghi với các mô hình kinh tế nông nghiệp. Tại đây, nhiều hộ gia đình phất lên nhờ trồng hoa lan, kinh doanh cây kiểng, nuôi và cung cấp cá cảnh cho các địa phương…
Mặc dù vậy nhưng Nam Sài Gòn tồn tại những hạn chế xuất phát từ quy hoạch chưa phù hợp với sự phát triển dẫn đến quá tải, ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng sống của người dân. TS. Nguyễn Hữu Nguyên (Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM) cho rằng, căn nguyên là do thiếu tầm nhìn, thiếu đồng bộ trong quy hoạch. Cụ thể là hệ thống cầu, đường hướng vào trung tâm thành phố không còn phù hợp với mật độ dân số, về tình hình giao thông hiện tại. “Để Nam Sài Gòn phát triển bền vững, trở thành đô thị vệ tinh của TP.HCM, theo ông Nguyên cần giải quyết nạn ùn tắc giao thông và phát triển đồng bộ hạ tầng. Đây còn là đòn bẫy để vực dậy thị trường bất động sản khu vực”.
T.An
Bình luận (0)