Trong các ngày qua, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 năm 2016 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại nhiều trường THPT ở TP.HCM và Long An, cung cấp thông tin thiết thực về ngành nghề cho hơn 4.000 học sinh.
ThS. Trà Thanh Trung (Trưởng phòng ĐH, Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH thuộc ĐHQG TP.HCM) trao đổi thêm với các em học sinh sau buổi tư vấn |
Học luật không phải để… lách luật
Em Nguyễn Văn Tâm (học lớp 10A1 Trường THPT Hiệp Bình, TP.HCM) băn khoăn: “Em thấy truyền thông đưa rất nhiều thông tin về số lượng cử nhân, thạc sĩ, thậm chí là cả tiến sĩ thất nghiệp sau khi hết chương trình học. Vậy thì, thay vì cố gắng để vào được trường ĐH, chúng em có nên hướng tới một hệ đào tạo khác như TC nghề, CĐ nghề hay không?”. Băn khoăn của Tâm đã nhận được sự đồng thuận của rất nhiều bạn trong trường. ThS. Trà Thanh Trung (Trưởng phòng ĐH, Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH thuộc ĐHQG TP.HCM) cho biết, theo thống kê mới đây của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM về số việc làm trong giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ lao động ở bậc sơ cấp nghề, TC là gần 50%; ĐH 13% và trên ĐH chỉ chiếm 2%. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây cho thấy số cử nhân ra trường mỗi năm đã chiếm 50% tổng số nhân lực lao động toàn thành phố. Điều này sẽ tạo nên độ lệch rất lớn trong cán cân cung – cầu nhân lực của TP.HCM. “Đó là chưa kể nhiều em học sinh khả năng chỉ ngấp nghé vào được ĐH cũng bằng mọi cách ôn luyện để vào cho được trường ĐH mà mình mong ước. Tuy nhiên, các em quên mất rằng, cho dù có vào được ĐH thì vẫn còn hành trình dài 4-5 năm phía trước và rất có thể các em không đủ sức để theo nổi chặng đường này. Môi trường ĐH ngoài kiến thức được dạy thì các em còn phải tự rèn luyện các kỹ năng, tự nghiên cứu mới đủ hành trang xin việc làm khi ra trường. Do đó, thay vì tạo thêm sự chênh lệch trong cán cân nhu cầu lao động, thay vì phải mất nhiều thời gian để vào trường ĐH mà học tập không hiệu quả, các em nên mạnh dạn chọn cho mình một ngôi trường TCCN hay CĐ phù hợp với năng lực để tiết kiệm thời gian, công sức và có thêm cơ hội để xin việc sau này”.
Mỗi ngành nghề đều có những áp lực, khoảng lặng riêng, nếu không tìm hiểu trước, khi ra trường các em sẽ bị sốc, dễ dao động, nản lòng và khó theo đuổi lâu dài được. |
Trong khi đó, em Liêu Trúc Lill (học lớp 11A15) bày tỏ mong muốn: “Em có định hướng thi vào ngành luật, không biết ngành này có xét lý lịch nhân thân không?”. Tương tự, một học lớp 12 hỏi: “Em nghe nói học ngành luật là để “làm” luật, “lách” luật. Vì vậy em đang băn khoăn không biết có nên đăng ký xét tuyển ngành này hay không?”. ThS. Trà Thanh Trung khẳng định: “Trong các nhóm ngành hiện nay, chỉ có nhóm ngành công an-quốc phòng-an ninh mới xét lý lịch nhân thân, các ngành còn lại không xét đến vấn đề này. Riêng với ngành luật, để làm được ngành này, theo tôi, các em cần phải có sự chính trực, làm việc có nguyên tắc, đúng quy định. Ngoài việc hiểu rõ bản chất ngành luật, các em cũng cần phải xác định mục đích tốt đẹp để theo đuổi ngành này. Có như vậy, các em mới xác định được mục tiêu, hướng phấn đấu để theo đuổi sau khi ra trường”.
Cần chú ý những khoảng lặng của nghề
Tại buổi tư vấn ở Trường THCS-THPT Đức Trí (TP.HCM), ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) lưu ý các em học sinh khi chọn ngành nghề, ngoài việc tìm hiểu kỹ về bản chất nghề nghiệp thì cần phải chú ý những khoảng lặng của mỗi nghề nghiệp. “Mỗi ngành nghề đều có những áp lực, khoảng lặng riêng, nếu không tìm hiểu trước, khi ra trường các em sẽ bị sốc, dễ dao động, nản lòng và khó theo đuổi lâu dài được. Bất cứ nghề nghiệp nào cũng có những khoảng lặng, đòi hỏi những tố chất cần phải có. Ví dụ, làm hướng dẫn viên du lịch, các em cần phải có sự kiên nhẫn và biết kiểm soát cảm xúc tốt để ứng phó mỗi khi bị khách phàn nàn; làm đầu bếp phải có kỹ năng phòng tránh cháy nổ, xử lý vết thương trong trường hợp bị các tai nạn nhà bếp… Ngoài ra, khi chọn ngành nghề, các em cũng cần chú ý những sở đoản của mình, xem mình liệu có thể khắc phục được những sở đoản đó để thích ứng với nghề nghiệp hay không chứ không nên chỉ chăm chăm chọn nghề dựa vào sở trường, sở thích mà quên đi những hạn chế mình đang có”, ThS. Phạm Doãn Nguyên chia sẻ.
Trúng tuyển ngành nào phải học ngành đó
Một học sinh lớp 12 Trường THPT Hiệp Bình thắc mắc: “Nếu em không đủ điểm trúng tuyển vào ngành yêu thích, em có thể đăng ký học một ngành khác rồi sau đó xin chuyển ngành được không?”. ThS. Trà Thanh Trung (Trưởng phòng ĐH, Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH thuộc ĐHQG TP.HCM) trả lời: Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sinh viên trúng tuyển ngành nào thì phải học và cấp bằng ở ngành đó. Tuy nhiên, một số trường hiện nay cũng tạo điều kiện cho sinh viên được chuyển ngành học kèm theo một số điều kiện riêng. Về cơ bản, điều kiện chung của các trường về việc chuyển ngành là sinh viên được chuyển ngành khi học không quá 4 kỳ; ngành xin chuyển phải cùng khối thi, điểm đầu vào ĐH với ngành đang học. Ngoài ra, tùy theo đặc điểm của từng trường, yêu cầu của mỗi chuyên ngành, trường sẽ có những quy định riêng để phù hợp với đặc điểm ngành học mà sinh viên muốn chuyển. |
Giải đáp thắc mắc của một học sinh về ngành tiếp viên hàng không, ông Nguyễn Quốc Cường (nguyên chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) cho biết tiếp viên hàng không là ngành đào tạo ở trình độ sơ cấp nghề. Hiện nay, ngoài các hãng bay trong nước, nhiều hãng bay nước ngoài đã bắt đầu tuyển dụng tiếp viên hàng không Việt Nam với mức lương và chính sách đãi ngộ khá hấp dẫn. Do đó, có thể coi đây là ngành có nhiều cơ hội trong tương lai. Hiện nay, thông tin tuyển dụng đều được các hãng bay thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, để làm được nghề này, ngoài các yêu cầu khắt khe về ngoại hình (nữ từ 1m58, nam từ 1m68 trở lên), sức khỏe, tiếng Anh lưu loát, tiếp viên hàng không đòi hỏi cần phải có tố chất hoạt bát, nhanh nhẹn, xử lý tình huống nhạy bén để thích nghi được với môi trường giao tiếp với hành khách trên không trung.
Bài, ảnh: Linh Vy
Bình luận (0)