Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Để ngày hè không là nỗi ám ảnh

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh dán tranh hưởng ứng thông điệp bảo vệ môi trường trong Ngày Quốc tế thiếu nhi tại Công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình). Ảnh: A.Nguyệt

Với những đứa trẻ sống ở phố thị thì dường như khái niệm về “kỳ nghỉ hè” đã dần biến mất. Bởi trước kia, hè là dịp để trẻ đi chơi, còn nay hè là để… học, không học kỹ năng thì cũng học thêm năng khiếu hay ngoại ngữ…

Hiện nay nhiều đứa trẻ cảm thấy kỳ nghỉ hè giống như học kỳ tiếp theo do chính phụ huynh là người quản lý. Bởi các em không còn cảm giác tự do được làm những gì mình thích, thay vào đó là làm những gì mà cha mẹ muốn. Em H.Y (học sinh lớp 10 Trường THPT Hùng Vương, TP.HCM) là một ví dụ cụ thể. Với H.Y, học là thứ duy nhất em được làm, những chuyện còn lại thì em không được tự do quyết định. Ngày nào cũng vậy, H.Y mệt mỏi với việc thức dậy thật sớm để đi học ở các trung tâm và về đến nhà vào lúc trời tối mịt. H.Y không có khoảng trống nào dành cho bản thân và bạn bè. Em tâm sự: “Nhiều lúc sáng thức dậy không nổi em muốn ngủ thêm chút nữa nhưng sợ mẹ la mắng nhiều, có khi còn đánh nữa nên em phải ráng thức dậy dù đôi mắt mở không ra”.

Sau những học kỳ chính ở trường thì nay lại có thêm nhiều khóa học cho trẻ trong thời gian hè. Những khóa học này cứ kéo dài từ tháng này sang tháng khác cho đến hết năm. Việc học và rèn luyện kỹ năng cho trẻ là điều cần thiết nhưng bên cạnh việc học cũng cần để trẻ tự do, thỏa sức vui chơi và thực hiện ước mơ của bản thân. Đừng để những nuối tiếc xảy ra khi lớn lên trẻ hỏi “tuổi thơ con là gì?”. Một đứa trẻ không có tuổi thơ đẹp sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách và tinh thần sau này.

Về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) nhận xét: “Việc cho trẻ học hè hay không cần phải dựa trên nhu cầu thật sự của các em, độ tuổi, khả năng cũng như chọn lựa lớp hè sao cho phù hợp. Chính các bậc cha mẹ cần thật sự cẩn trọng để tránh những sai sót không đáng có làm căng thẳng tâm lý của trẻ. Đừng để những hệ lụy của ngày hè, học hè làm trẻ thiếu đi những cảm xúc tích cực…”. Tuy nhiên, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng nhắn nhủ: “Phụ huynh vẫn phải đảm bảo cho trẻ có ít nhất 2 tuần hay 1 tháng nghỉ hè với những hoạt động cân bằng. Việc cho trẻ học hè cũng chỉ sử dụng vài ngày trong tuần mà không phải cả tuần và cả ngày sáng chiều tối như học chính thức. Ngoài ra, chính các bậc cha mẹ cũng cần điều chỉnh kế hoạch để mình có thể hướng trẻ đến sự tự chọn. Song song đó, cha mẹ cũng dành thời gian cho con nhiều hơn trong hè để cùng trẻ vui đùa và khám phá mùa hè thú vị”.

Thiếu nhi tham gia vẽ tranh tại một ngày hội.  Ảnh: T.Hảo

Mùa hè là thời điểm để trẻ được hưởng niềm vui tuổi thơ, là khoảng thời gian đẹp và trong sáng với những chuyến đi du lịch hay vui chơi cùng bạn bè mà không phải căng thẳng với bài học ở trường lớp. Sắp xếp cho trẻ một lịch học hợp lý, kèm theo đó là thời gian nghỉ ngơi và vui chơi là cách tốt nhất giúp trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần. Hãy để ngày hè là những ký ức đẹp của trẻ vì vậy xin đừng “đánh cắp ngày hè của trẻ”.

Thi Hảo

Trẻ học càng nhiều càng tốt?

Nhiều bậc cha mẹ thường có suy nghĩ, phải để con mình học càng nhiều càng tốt nhưng không biết là tốt cho danh dự của họ hay thật sự tốt cho tương lai của trẻ. Bởi con cái có học giỏi thì cha mẹ chính là người “nở mặt nở mày” với mọi người, ngược lại, con cái lại là đối tượng phải chịu nhiều áp lực từ việc học liên tiếp, không ngừng nghỉ khiến cho tuổi thơ hồn nhiên của mình bị chính người thân đánh cắp.

 

Bình luận (0)