Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đề nghị giữ nguyên bậc tiểu học không đóng học phí

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, tại các phòng, khoa của Trường TC KT-KT Nguyễn Hữu Cảnh đã diễn ra buổi họp lấy ý kiến của cán bộ, giáo viên, nhân viên góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Trước đó, Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Đức Trung đã phổ biến, tuyên truyền nội dung dự thảo đến tập thể nhà trường.
Theo đó, các cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đều tán thành các chương: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; chính quyền địa phương.
3 chương còn lại, có 6 góp ý. Cụ thể:
Ở chương Chế độ chính trị, điều 4 – đề nghị sửa thành: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”. Lý do bỏ chữ “đồng thời là đội tiên phong của” để câu được gọn hơn.
Điều 5 – nội dung trong dự thảo: “Quy định về Công đoàn Việt Nam”, đề nghị dành điều này để quy định chung và cơ bản về 5 tổ chức chính trị – xã hội khác có vai trò tương tự là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và vị trí vai trò của các tổ chức xã hội khác. Lý do, phần này quy định về các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức xã hội khác nhưng chỉ quy định về tổ chức Công đoàn là chưa đầy đủ.
Ở chương Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, điều 38 đề nghị ghi thêm về “Phát triển và nâng cao phúc lợi xã hội”. Lý do, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội là hệ thống các chính sách, giải pháp nhằm vừa bảo vệ mức sống tối thiểu của người dân trước những rủi ro, tác động bất thường về kinh tế, xã hội và môi trường; vừa góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội không chỉ là bảo vệ quyền của mỗi người dân như đã nêu trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người mà còn là một nghĩa vụ quan trọng của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển. Đảng và Nhà nước ta vẫn tiếp tục coi bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một nhiệm vụ chủ yếu thường xuyên và cũng đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020.
Điều 42, đề nghị giữ nguyên ý “bậc tiểu học là bắt buộc và không phải trả học phí” như Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001). Lý do, phù hợp chính sách phổ cập giáo dục tiểu học bắt buộc từ lớp 1 đến hết lớp 5 đối với tất cả trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi của Nhà nước ta. Điều này cũng đã được ghi nhận trong Luật Phổ cập giáo dục tiểu học của nước ta.
Chương Hội đồng Hiến pháp, điều 20 đề nghị cần nghiên cứu về Hội đồng Hiến pháp phải có quyền tài phán, ra quyết định về tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật (nếu không có tòa án Hiến pháp); Hội đồng Hiến pháp phải được hoạt động độc lập với các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp. Lý do, nhằm đảm bảo tính tối cao của Hiến pháp, xử lý các trường hợp vi hiến thì cần có cơ quan độc lập với các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp. Hội đồng Hiến pháp phải được giao đầy đủ quyền hạn để đảm bảo thực hiện chức năng này.
Ngoài ra, có một số ý kiến cho rằng các điều 21, 35, 42, 50 quá cô đọng, cần nghiên cứu quy định rõ thêm.
Hòa Anh 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)