UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản số 2844/UBND-NL1 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông gây hại lúa vụ xuân 2017.
Người dân ở tỉnh Hà Tĩnh bị thiệt hại nặng do lúa bị đạo ôn cổ bông
Nội dung văn bản cho biết: Vụ xuân năm 2017, tỉnh Hà Tĩnh sản xuất gieo cấy 58.785ha lúa, nhưng do bị ảnh hưởng của bệnh đạo ôn cổ bông gây thiệt hại nặng trên đồng ruộng, bệnh diễn biến nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng.
Theo báo cáo bước đầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 15-5-2017, diện tích lúa bị nhiễm bệnh trên toàn tỉnh là 10.636ha, trong đó có hơn 5.000ha bị thiệt hại trên 70% năng suất; các giống nhiễm nặng, gồm: P6, KD18, KDĐB, nhóm X… Đặc biệt giống Thiên ưu 8 diện tích bị nhiễm bệnh gần 9.000ha (chiếm 84,1%). Thời gian qua UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng trừ, khắc phục thiệt hại do bệnh gây ra, tuy nhiên kết quả còn hạn chế.
Hàng ngàn hecta lúa vụ xuân tại Hà Tĩnh bị thiệt hại nặng do bệnh đạo ôn cổ bông hoành hành
Để đảm bảo nguồn lương thực, ổn định đời sống cho người dân vùng bị thiệt hại, kịp thời bổ cứu sản xuất trong thời gian tới, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ giúp đỡ trong việc xác định nguyên nhân gây bệnh, giúp các cơ quan chuyên môn của tỉnh định hướng sản xuất trong thời gian tới, đặc biệt là sản xuất vụ hè thu năm 2017 và vụ xuân năm 2018; phối hợp đánh giá mức độ thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông gây ra, xem xét các chính sách, nguồn lực hỗ trợ tỉnh giúp đỡ nông dân bị thiệt hại, đảm bảo lương thực, ổn định cuộc sống cho người dân, khắc phục kịp thời thiệt hại do dịch bệnh và phát triển sản xuất.
Giống lúa Thiên ưu 8 bị đạo ôn cổ bông gây hại nặng nề nhất trên diện tích gần 9.000ha
Trước đó, ngày 14-5-2017, tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương để nghe báo cáo về diễn biến phức tạp của bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên lúa vụ xuân, xác định nguyên nhân và chỉ đạo biện pháp khắc phục.
Tại buổi làm việc, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh đã nhận định mức độ thiệt hại trên lúa xuân là khá nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của các địa phương và đời sống của người dân. Bên cạnh yếu tố thời tiết bất lợi, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan thì có một phần nguyên nhân là từ sự chủ quan trong công tác quản lý giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, bảo vệ thực vật của ngành chuyên môn…
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương cần thống kê chính xác, khách quan mức độ thiệt hại; làm rõ về mặt khoa học đối với các nguyên nhân gây ra dịch bệnh trên lúa, gắn với làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân để xảy ra dịch bệnh. Ngoài ra, đề xuất chính sách hỗ trợ bà con nông dân theo đúng quy định của Nhà nước và tình hình thực tiễn. UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần coi đây là bài học sâu sắc trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý giống, quy trình kỹ thuật và khuyến nông để rút kinh nghiệm cho những vụ mùa tiếp theo.
Hạt lúa bị xẹp lép , nhẹ tênh… do bệnh đạo ôn cổ bông
DƯƠNG QUANG (SGGP)
Bình luận (0)