Sáng nay, 19-1, phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc tại Hà Nội.
Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Nguyễn Kim Khoa trình bày về một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
Ông Khoa cho biết, Thường trực UBQPAN cho rằng, đề xuất không quy định độ tuổi cao nhất gọi nhập ngũ trong thời bình để có thể gọi được nhiều công dân phục vụ tại ngũ là không phù hợp với thực tế.
Chủ nhiệm UBQPAN nói: “Cần quy định độ tuổi gọi nhập ngũ phù hợp với thời hạn phục vụ tại ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ cấu tổ chức giữa lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên phù hợp, có chất lượng cao; kết hợp chặt chẽ việc bảo đảm nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân phải bảo đảm mọi người đều bình đẳng trước pháp luật theo quy định của Hiến pháp”.
Theo quan điểm này, việc quy định hai loại độ tuổi gọi nhập ngũ như dự thảo Luật là không phù hợp. Theo đó, việc kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ cho đối tượng tạm hoãn là sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học để gọi vào phục vụ tại ngũ sau khi tốt nghiệp vừa khó khả thi, vừa không bảo đảm công bằng xã hội.
“Thực tiễn cho thấy, những vướng mắc, bất cập trong khâu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đối với sinh viên tốt nghiệp bậc đại học không phải do hạn chế của quy định về độ tuổi mà do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt”, ông Nguyễn Kim Khoa giải thích.
Từ những vấn đề trên, cơ quan thẩm tra đề nghị quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân là từ 18 đến 25 như Luật NVQS hiện hành.
Liên quan đến vấn đề này, dự thảo Luật tạm hoãn thực hiện NVQS cho đối tượng là sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân và kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với đối tượng này.
Cơ quan thẩm tra cho rằng quy định như dự thảo là không phù hợp với yêu cầu công dân phải bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong bảo vệ Tổ quốc và học tập theo quy định của Hiến pháp.
Nếu giữ như quy định hiện hành thì đối tượng tạm hoãn quá rộng (khoảng gần 50% số thanh niên nam trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ), sẽ không khắc phục được những vướng mắc bất cập hiện nay về cơ cấu, chất lượng, thành phần công dân gọi nhập ngũ; nhiều công dân lợi dụng chính sách tạm hoãn để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, không thu hút được những người có trình độ học vấn cao vào phục vụ tại ngũ.
Do đó, Thường trực UBQPAN đề nghị không quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên để bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho sinh viên, học viên an tâm học tập và không phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển chọn thì cần có quy định một số hình thức để sinh viên, học viên có trình độ đào tạo từ đại học trở lên có sự lựa chọn thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc phù hợp với tình hình cụ thể.
Tuy nhiên, qua thảo luận, đa số ý kiến trong UBTVQH cho rằng trong thời bình vẫn nên tạm hoãn thực hiện NVQS cho đối tượng là sinh viên đang học đại học hệ chính quy. Độ tuổi thực hiện NVQS với những đối tượng đã được tạm hoãn thực hiện NVQS sẽ kéo dài đến 27 tuổi, còn lại vẫn là từ 18 đến 25 tuổi.
Lựa chọn thay thế NVQS bằng cách “tham gia chương trình thanh niên trí thức tình nguyện, thực hiện NVQS thông qua việc tham gia đào tạo sĩ quan dự bị; tự bảo đảm chi phí để tham gia chương trình huấn luyện quân sự tập trung ba tháng tại các đơn vị quân đội hoặc trung tâm giáo dục quốc phòng” cũng không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình.
“Đây là vấn đề vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, vì vậy nếu được sự đồng ý của UBTVQH, Thường trực UBQPAN tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp thanh niên, sinh viên Việt Nam và các trường đại học tọa đàm lấy ý kiến đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi và xin ý kiến Đoàn ĐBQH để báo cáo UBTVQH tại phiên họp tiếp theo”, ông Khoa bổ sung.
ANH PHƯƠNG
(SGGP)
Bình luận (0)