Sự kiện giáo dụcTin tức

Đề nghị không xử án treo tội phạm tham nhũng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng tội phạm tham nhũng là loại tội phạm nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận, cần phải xử lý nghiêm minh, không nên xử án treo.

Quốc hội dành trọn ngày 24/10 thảo luận báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; báo cáo công tác của Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao và công tác thi hành án.

Hầu hết các ý kiến thảo luận khẳng định: Công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm đã có những chuyển biến tích cực, đã đấu tranh làm giảm một số loại tội phạm. Tỷ lệ điều tra, khám phá án được nâng lên một bước, trong đó án đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ khám phá cao. Công tác truy tố, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng về cơ bản đảm bảo tính nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Các thảo luận cũng ghi nhận những cố gắng của cơ quan Công an trong việc phát hiện, điều tra các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, tội phạm tham nhũng, chuyển VKS cùng cấp truy tố.

Đặc biệt, đại biểu Quốc hội ghi nhận hệ thống CQĐT tổ chức theo Pháp lệnh Điều tra được hoàn thiện từng bước từ cấp Bộ đến cơ sở. Năm 2009, tất cả các tòa án cấp huyện thực hiện thẩm quyền xét xử các vụ án đến 15 năm tù, theo đó hệ thống CQĐT Công an cấp huyện cũng nâng dần về số lượng và chất lượng của điều tra viên…

Tội phạm môi trường: Xử lý hình sự cả pháp nhân?

Tội phạm môi trường là tâm điểm trong phiên thảo luận hôm qua. Nhiều ý kiến bức xúc trước tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường tràn lan nhưng việc xử lý quá rắc rối, chủ yếu chỉ xử lý hành chính, hiếm có vụ việc nào xử lý hình sự.

Đại biểu Lê Thị Nga thẳng thắn: Vi phạm trắng trợn như vụ Công ty Vedan xả nước thải ồ ạt ra sông Thị Vải nhưng cơ quan chức năng lại quá lúng túng trong xử lý. “Bộ Tài nguyên & Môi trường nói thẩm quyền xử lý thuộc UBND tỉnh Đồng Nai nhưng tỉnh này lại “đẩy” trách nhiệm thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường, rốt cuộc không rõ trách nhiệm của cơ quan nào”.

Đại biểu Lê Thị Nga giải thích: Nguyên do các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý tội phạm môi trường tự “làm khó” cơ quan chức năng. Có tội như “tội gây ô nhiễm nguồn nước” quy định rất rõ trong Luật Hình sự nhưng chưa bao giờ được thực thi.

Như vụ Vedan, có thể xử lý hình sự đối với người ký quyết định cho phép xả nước thải ra sông Thị Vải nhưng điều luật lại bắt buộc phải có dấu hiệu “đã bị xử lý hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

Nhiều đại biểu cũng phân tích, các địa phương hiện chạy theo các dự án, lấy kinh tế làm trọng tâm mà xem nhẹ bảo vệ môi trường. Nhiều dự án không đề cập việc bảo vệ môi trường hoặc đề cập nhưng mang tính hình thức. Trong khi đó, có dấu hiệu một số cán bộ có thẩm quyền vụ lợi, tham nhũng, bảo kê các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Pháp luật hình sự quy định chỉ có cá nhân là chủ thể của tội phạm, chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, có ý kiến lại đề nghị, với tội phạm môi trường, nếu quy trách nhiệm cá nhân rất khó nên có thể sửa đổi luật để xử lý hình sự cả pháp nhân!

Giám sát việc xử lý các vụ án lớn

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề đạt: Có khoảng 1/3 bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ. Việc tòa án các cấp tuyên án treo đối với bị cáo phạm tội tham nhũng, trong đó có vụ số bị cáo nguyên là cán bộ có chức vụ, quyền hạn cao ở địa phương chỉ lĩnh án treo khiến dư luận bức xúc. Cử tri cho rằng, xử lý như vậy là không đảm bảo tính nghiêm minh, răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa giải thích, tham nhũng là loại tội phạm nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận, cần phải xử lý nghiêm minh, không nên xử án treo. Ông cũng cho rằng, trong 8 vụ án điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong vài năm gần đây nhưng rốt cuộc việc xử lý kéo dài, tuyên mức án quá nhẹ hoặc đình chỉ… Quốc hội cần giao Ủy ban Tư pháp tiến hành giám sát việc xử lý các vụ án lớn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, án tồn đọng, oan sai cần phải được xác định rõ trách nhiệm của cá nhân. Bên cạnh đó, đối với những vụ án lớn cần có báo cáo đầy đủ và giám sát chặt chẽ.

Phòng ngừa tội phạm phải chặn từ gốc

Thảo luận về việc gia tăng một số loại tội phạm, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ nguyên nhân phát sinh mang tính xã hội. Chỉ trên cơ sở xác định nguyên nhân mới có giải pháp ngăn chặn từ gốc, đó là những giải pháp mang tính xã hội, cần sự tham gia của các cấp, các ngành.

Nếu chỉ riêng lực lượng Công an sẽ “ôm” không xuể và chỉ giải quyết phần ngọn. Phân tích dưới góc độ này, các ý kiến đề cập nguyên nhân căn bản là sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội kéo theo tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Tại khu vực nông thôn, người dân mất đất sản xuất do quá trình công nghiệp hóa cũng chưa có giải pháp đồng bộ khiến tình trạng khiếu kiện kéo dài, đi kèm đó là vi phạm pháp luật.

Việc giáo dục, quản lý các đối tượng tù tha, đối tượng lang thang, trẻ em cơ nhỡ không đảm bảo; tệ nạn ma túy, mại dâm tuy được kiềm chế nhưng vẫn rất phức tạp ở  nhiều nơi. Việc giáo dục thanh, thiếu niên trước nhịp sống mới đã bộc lộ lỗ hổng, hệ lụy là một bộ phận thanh, thiếu niên sa đà vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật và phạm tội…

Đ.Trường – Đ.Tuấn (cand.com.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)