Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 22/5, Ủy ban Văn hóa và Giáo dục (VH&GD) của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 3 để thảo luận báo cáo chuyên đề về “việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử cấp trung học phổ thông (THPT)”. Ủy ban đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu và quy định Lịch sử cấp THPT là môn học bắt buộc.

“Giáo dục Lịch sử không bao giờ là không cần thiết”

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử cấp THPT được nhân dân và cử tri rất quan tâm. Do đó, Ủy ban VH&GD cần nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến đội ngũ chuyên gia lịch sử một cách thấu đáo, trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và có đề xuất trên nguyên tắc phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về giáo dục, đào tạo.

Đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc ảnh 1

Ủy ban VH&GD đề nghị Bộ GD&ĐT quy định môn học Lịch sử cấp THPT là môn học bắt buộc Ảnh: Nhật Minh

Báo cáo tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH&GD, cho biết, đa số ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp THPT thành môn lựa chọn. Lý do, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử. Lịch sử cũng giúp bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó giúp hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận, 100% thành viên của Ủy ban VH&GD có mặt tại phiên họp giơ tay đồng ý quy định môn học Lịch sử cấp THPT là môn học bắt buộc.

Trong khi đó, xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh THPT (từ 15 đến 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc, quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người. Vì thế, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh THPT là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga (ĐBQH tỉnh Hải Dương) nhận định: “Khi chúng ta đưa bộ môn Lịch sử vào môn tự chọn tôi e rằng cách nhìn nhận, đánh giá của học sinh và của xã hội về bộ môn Lịch sử đã có sự khác nhau rồi. Nghĩa là không cần thiết thì thôi, nhưng giáo dục Lịch sử không bao giờ là không cần thiết”.

Không đơn giản chỉ là thay từ “lựa chọn” thành “bắt buộc”

Nhắc lại tinh thần của Nghị quyết 29 của T.Ư và Nghị quyết 88 của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, quan trọng là phải xây dựng chương trình môn học như nào, dạy học ra sao để học sinh yêu thích môn Lịch sử. Theo bà, sửa môn Lịch sử thành bắt buộc không đơn giản như gõ bàn phím, thay từ “lựa chọn” thành “bắt buộc” là xong. Nếu sửa chương trình thành bắt buộc thì phải sửa cả chương trình môn học này ở cấp trung học cơ sở vì hiện nay chương trình phân môn lịch sử ở cấp trung học cơ sở đã đưa toàn bộ nội dung nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi về lịch sử Việt Nam và thế giới.

Trong khi đó, đại biểu Hà Ánh Phương, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, cho rằng cần phải học cách kiểm tra, đánh giá của một số quốc gia tiên tiến trên thế giới, thay vì “học thuộc lòng”, người ta hướng tới những yêu cầu cụ thể, như nắm vững, giải thích, dự đoán… Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đề nghị ngành giáo dục và đào tạo thay đổi phương pháp dạy và học môn Lịch sử, qua đó tạo hứng thú cho học sinh.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban VH&GD Nguyễn Đắc Vinh, khẳng định, về chuyên môn, Chương trình giáo dục phổ thông mới có sự tiến bộ, có đổi mới, công phu. Ông đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo đổi mới dạy học, thi, kiểm tra đánh giá môn Lịch sử như nhiều đại biểu đã nêu. “Thi, kiểm tra đánh giá nếu cứ bắt nhớ từng sự kiện, con số thì về chuyên môn lịch sử là đúng, nhưng tạo sự hứng thú, yêu thích cho học sinh thì phải xem lại, có phần để học sinh thể hiện sự hiểu biết rộng hơn, sáng tạo hơn”, ông Vinh nói.

Theo Văn Kiên/TPO

 

Bình luận (0)