Sự kiện giáo dụcTin tức

Đề nghị nâng mức xử phạt người ra đề thi sai

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là ý kiến được đưa ra tại hội thảo của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (KT&KĐCLGD) Bộ GD-ĐT về công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục được tổ chức ngày 8-10.
Nhiều vấn đề cần chỉnh sửa
Tuy vấn đề ra đề thi sai không có trong danh mục những điều được sửa đổi bổ sung nhưng cán bộ Thanh tra sở GD-ĐT Hòa Bình Chu Văn Quân đề nghị: Người ra đề thi sai mức xử lý nhẹ là không hợp lý, vì thế đề nghị được tăng lên bởi đề thi sai sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu thí sinh. Hàng loạt các vấn đề liên quan tới tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2010 cũng đã được đưa ra lấy ý kiến các sở.
Theo đó, dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT khoản 7, điều 21 sẽ sửa đổi: thí sinh học theo chương trình nào (chuẩn hay nâng cao) phải làm phần riêng của đề thi ứng với chương trình đó, thí sinh làm cả hai phần riêng của đề thi bị coi là phạm quy chế và không được chấm điểm bài làm phần riêng của đề thi. Khoản này được đề nghị sửa thành thí sinh chỉ được làm một trong hai phần tự chọn của đề thi, thí sinh làm cả hai phần tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần tự chọn của đề thi. Sửa đổi này theo Cục Khảo thí là cấu trúc đề thi mới chỉ gồm phần bắt buộc và phần tự chọn, không còn phần riêng của đề thi.
Cục KT&KĐCLGD cũng đề nghị sửa đổi khoản 12, điều 21 nhằm đảm bảo chặt chẽ trong quản lý thí sinh thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi khi hết tối thiểu 2/3 thời gian làm bài của môn thi và nộp kèm bài thi đề thi, giấy nháp (trước đây văn bản là thí sinh ra khỏi phòng thi khi hết 2/3 thời gian làm bài).
Về điều này, ý kiến nhiều sở cho rằng không nhất thiết phải sửa đổi vì đó chỉ là sự khác nhau về câu chữ chứ không khác nghĩa. Các sở cho rằng, nên có một đoàn thanh tra thi tại hội đồng thi chứ không nên tách ra thành hai đoàn: thanh tra bộ và thanh tra sở.
Nên bỏ quy định học sinh làm đề theo chương trình học
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng rút kinh nghiệm từ các đợt thi tốt nghiệp THPT vừa qua và đề nghị sửa đổi một loạt vấn đề khác. Đại diện Sở GD-ĐT Nam Định, ông Đào Trọng Hùng, Chuyên viên Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục cho rằng nên bãi bỏ quy định học sinh học theo chương trình nào phải làm phần đề thi thuộc chương trình đó. Ông Hùng phân tích, trong thực tế không có cơ chế kiểm soát quy định này. Đồng thời, không nên xếp thí sinh trong các phòng thi theo ban vì cũng không có cơ chế bắt buộc thí sinh phải làm phần đề thi đúng theo ban đã đăng ký. Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn thì cho rằng bộ nên sớm ban hành văn bản thi tốt nghiệp để địa phương chủ động trong các công việc triển khai. Cũng theo đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện sở đã triển khai áp dụng bộ tiêu chí quản lý chất lượng tại 5 trường THPT nhưng việc tiến hành đòi hỏi nhiều thời gian, nhân sự cũng như kinh phí. Các trường không nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ nào từ ngân sách, do đó việc triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn. Hệ thống bộ tiêu chí bao quát nhiều vấn đề trong công tác quản lý của trường phổ thông, nhưng một số tiêu chí còn dàn trải, lặp lại và chưa rõ ràng, cụ thể như tiêu chí 4 bàn về vấn đề quản lý dạy thêm và học thêm tại trường THPT, hầu hết các trường đều cho là khó thực hiện và không thực tế. Nhiều tiêu chí không được áp dụng trong bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng các trường THPT. Đề nghị Bộ sớm ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chi phí cho công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục. Cần hỗ trợ kinh phí cho các trường được chọn trong công tác thực hiện quản lý theo bộ tiêu chí cũng như viết báo cáo tự đánh giá và kinh phí cho các trường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đã được đề ra theo bộ tiêu chí.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng nên hoàn thiện hệ thống văn bản sớm để tới khi thi thì áp dụng và cũng không nên đi quá chi tiết trong quy chế bởi càng chi tiết sẽ càng thiếu.
“Các văn bản chỉ đạo cần ổn định, nếu không “cứ mỗi khi tới kỳ thi là hết công điện khẩn này tới công điện khẩn khác. Quy chế chưa đầy đủ, khiến các sở vừa chạy vừa xếp hàng” – Thứ trưởng Luận nói.
Thứ trưởng còn yêu cầu những cán bộ làm khảo thí khi đưa ra quy chế thi cần lắng nghe ý kiến của phụ huynh, học sinh, các thầy cô không làm khảo thí để đưa ra được bản quy chế hợp lý nhất.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)