Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đề nghị tăng giá nước sinh hoạt

Tạp Chí Giáo Dục

Trong 6 năm qua, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) nhiều lần đề xuất tăng giá nước sạch để cân đối chi phí, phát triển mạng lưới cấp nước. Trong giai đoạn 2014-2017, Sở Tài chính cũng đã trình UBND TPHCM 7 tờ trình điều chỉnh giá nước nhưng vẫn chưa được chấp thuận. 

Vận hành đưa nước vào hồ xử lý nước tại Nhà máy nước Tân Hiệp. Ảnh: Thành Trí

Nguyên nhân khiến phương án nước chưa được thông qua là tỷ lệ thất thoát được tính vào giá thành vẫn còn cao. Tuy nhiên, dự kiến từ năm 2019 đến năm 2022, TPHCM sẽ điều chỉnh tăng giá nước sinh hoạt theo lộ trình từng năm. Sớm nhất, giá nước sẽ tăng từ 5.300 đồng/m3 lên 5.600 đồng/m3 vào cuối năm 2019.

Hiện người dân TPHCM đang trả tiền nước hàng tháng theo đơn giá nước sinh hoạt tại Quyết định 103/2009 của UBND TPHCM. Trên cơ sở phương án giá của Sawaco và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp, Sở Tài chính vừa có tờ trình báo cáo UBND TPHCM về dự thảo quyết định ban hành giá nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố lộ trình 2019-2022. Khi phương án được thông qua, giá nước sạch tăng lũy tiến trong các năm. 

Cụ thể, giá nước năm 2019 sẽ tăng 5,66% so với mức giá hiện nay, từ 5.300 đồng/m3 lên 5.600 đồng/m3 đối với hộ dân cư; riêng hộ nghèo và cận nghèo vẫn giữ nguyên 5.300 đồng/m3. Năm 2020, giá nước bán lẻ sẽ tăng lên 6.000 đồng/m3 đối với hộ dân cư, 5.600 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2021 là 6.300 đồng/m3 đối với hộ dân cư, 6.000 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2022 là 6.700 đồng/m3 đối với hộ dân cư, 6.300 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo. Đơn giá nước này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường theo quy định và áp dụng cho định mức sử dụng đến 4m3/người/tháng. Đối với mức sử dụng từ 4m3 – 6m3/người/tháng và trên 6m3/người/tháng sẽ có giá cao hơn. Cụ thể, khi sử dụng vượt định mức trên 6m3, người dân phải trả tới 14.400 đồng/m3 vào năm 2022. 

Đối tượng điều chỉnh gồm các hộ dân cư sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt; các khu dân cư, chung cư, khu lưu trú công nhân, các cư xá, ký túc xá; các cơ sở xã hội, cơ sở chữa bệnh – cai nghiện thuộc Sở LĐTB-XH, thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt; hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố.

Định mức sử dụng nước sạch được xác định trên số nhân khẩu thường trú và tạm trú dài hạn, căn cứ theo sổ hộ khẩu thường trú và sổ tạm trú. Mỗi nhân khẩu chỉ được đăng ký định mức tại một thuê bao đồng hồ nước. Trường hợp nhiều hộ gia đình sử dụng chung một đồng hồ nước thì tính định mức các nhân khẩu sử dụng chung cho khách hàng đứng tên thuê bao đồng hồ nước. Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà để ở (không có hộ khẩu thường trú tại TPHCM) có thời hạn hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên, căn cứ vào giấy xác nhận tạm trú và hợp đồng thuê nhà có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, được tính định mức như nhân khẩu thường trú. 

Ngoài ra, Sawaco sẽ quyết định giá nước sạch cho các mục đích sử dụng khác phù hợp với phương án giá nước sinh hoạt lộ trình 2019-2022 đã được UBND TPHCM phê duyệt.

Theo An Yên/SGGPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)