Ngày 19.7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Axel van Trotsenburg, Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB).
Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045 với tầm nhìn phát triển dài hạn, nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, tác động của dịch Covid-19 cũng như các mục tiêu phát triển của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Nhắc đến 3 khâu đột phá quan trọng của Việt Nam trong phát triển là hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế, Chủ tịch nước mong muốn WB hỗ trợ cả ba khâu này. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ với WB trong triển khai các chương trình hợp tác thời gian tới; trong đó sẽ tiếp tục phối hợp với WB thúc đẩy giải ngân vốn ODA; đồng thời đề nghị WB tạo cơ chế thông thoáng hơn thúc đẩy quá trình này.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới Axel van Trotsenburg. Ảnh: TTXVN
Ông Axel Van Trotsenburg khẳng định WB sẵn sàng hợp tác với Việt Nam xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045 và sẽ nỗ lực hết sức tìm nguồn lực cần thiết để thực hiện nghiên cứu này. Ông cũng cho biết WB sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong triển khai các khâu đột phá mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu ra.
Chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp ông Axel van Trotsenburg. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết rất mạnh mẽ đến năm 2050 đưa mức phát thải ròng về bằng 0. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài nỗ lực của Việt Nam thì cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn WB với nguồn lực và trách nhiệm của mình có tiếng nói, giải pháp và cách thức hỗ trợ các nước để đạt được mục tiêu toàn cầu nhưng không tạo ra ngăn cách lớn hơn giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Về khung khổ hợp tác giữa Việt Nam và WB trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tập trung vào việc thực hiện 3 đột phá chiến lược của Việt Nam. Trong đó, về chiến lược hoàn thiện thể chế, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện đã tương đối đầy đủ nhưng giai đoạn tới cần nâng cao hơn nữa về chất lượng và trình độ, đồng thời phải thích ứng được với những thay đổi của thế giới và khu vực, đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển và hội nhập quốc tế.
Theo Lê Hiệp/TNO
Bình luận (0)