Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đề ngữ văn khối C và khối D: Mới lạ và hấp dẫn

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi cho rằng đề thi năm nay đúng tầm của kì thi tuyển sinh ĐH. Không chỉ khái quát chương trình mà còn phân loại được thí sinh (TS). Cả khối C và khối D, câu 1 (2 điểm) không chỉ vừa sức với TS mà còn chống lối học thuộc lòng, học vẹt; muốn được điểm cao TS phải nắm được tác phẩm và tự rút ra ý nghĩa. Ở phần nghị luận văn học chiếm 5 điểm, các tác phẩm đề cho đều quen thuộc, nằm trong trọng tâm chương trình, rải đều ở lớp 11 và 12. Cả hai câu khối C và câu 3.b của khối D theo lối mòn truyền thống lâu nay vẫn yêu cầu (trình bày cảm nhận) nên TS nào học bài kĩ có thể dễ dàng làm bài. Riêng câu 3.a của khối D khá hay, vừa cụ thể lại vừa khái quát, nếu TS nào nắm chắc tác phẩm, có khả năng tổng hợp sẽ rất thích thú với câu này. Trong mối tương quan của cùng một phần riêng đề thi khối D thì yêu cầu của câu 3.b có một chút gì đó dễ hơn câu 3.a nhưng đối với TS khá giỏi sẽ thích chọn câu 3.a vì dễ sáng tạo và nếu trình bày thuyết phục điểm số sẽ cao; trong khi câu 3.b cảm nhận về đoạn thơ không có gì mới mẻ.
Thú vị nhất của đề thi năm nay là ở câu nghị luận xã hội chiếm 3 điểm. Chắc chắn đa số TS sẽ nhận diện được yêu cầu và xác định đúng trọng tâm vấn đề để trải cảm xúc suy nghĩ của mình ra trang giấy thi, vì cả hai khối đều cho những vấn đề rất nóng, rất thời sự không chỉ của giới trẻ mà là mối quan tâm của toàn xã hội. Nhận ra vấn đề không khó nhưng trình bày ý kiến sao cho hay, thuyết phục, sâu sắc thì quả không đơn giản. Từ mấu chốt kẻ cơ hộingười chân chính, TS khai thác để lần đến biểu hiện nôn nóngkiên nhẫn để cho ra thành tíchthành tựu. Một số đồng nghiệp của tôi cùng cho rằng đề khối C có vẻ khó hơn khối D. Số đông TS sẽ nêu được suy nghĩ của bản thân về văn hóa thần tượng khi bàn luận ở khía cạnh ngưỡng mộ hay mê muội và không khó tìm dẫn chứng minh họa cho lập luận của mình, bởi đây là vấn đề rất thời sự, rất nóng trên các diễn đàn, các báo mạng và trong câu chuyện thường ngày gần đây. Việc rút ra bài học cho bản thân đòi hỏi phải vừa sâu sắc vừa thiết thực, nhẹ nhàng mà khả thi mới mong có điểm cao. Chắc chắn, với đề thi năm nay, ít nhiều có tác động tích cực, chí ít cũng “đánh” vào suy nghĩ của TS và toàn xã hội. Một khi đề thi đã bàn đến vấn đề thời sự của cuộc sống, được dư luận đón nhận, quan tâm thì đó là một đề thi hay!
Là một giáo viên dạy văn, tôi cho rằng đề thi ngữ văn lần này dù vẫn còn có những câu theo lối mòn cũ nhưng cũng đã dần dần đổi mới theo hướng tích cực, chống học vẹt, chống văn mẫu, tiệm cận và bắt nhịp với hơi thở cuộc sống! Việc còn lại là trông chờ vào đáp án, thang điểm, hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT xem có thoáng theo hướng đề ra hay không! Đó cũng sẽ là cơ sở cho việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học ngữ văn trong nhà trường, bởi không thể đổi mới dạy và học khi chưa đổi mới thi cử, đánh giá giáo viên và học sinh.
Nguyễn Văn Cải
(Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, TP.HCM)

Bình luận (0)