Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Để nguồn vốn FDI thực sự hiệu quả – Cần bình đẳng các loại hình kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

Tại hội thảo “Tổng kết việc thi hành các quy định của Hiếp pháp 1992 về đầu tư nước ngoài tại TPHCM” vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM tổ chức, các đại biểu đều biểu dương những kết quả mà công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài góp phần cho sự phát triển kinh tế- xã hội của TPHCM. Tuy nhiên, đề phù hợp trong tình hình mới, nhiều quy định pháp luật cần phải được sửa đổi, thống nhất…

Vốn FDI tập trung vào các ngành công nghệ cao

Những thành tựu mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mang lại cho kinh tế – xã hội là rất lớn. Chẳng hạn, đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào GDP của TPHCM có xu hướng tăng dần qua các năm, từ 36.023 tỷ đồng năm 2005 (chiếm 21,8% GDP của TP) lên 99.672 tỷ đồng năm 2010 (chiếm 24,1% GDP của TP). Thông qua thu hút đầu tư nước ngoài, TP đã phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn như cơ khí chính xác, điện và điện tử, công nghệ phần mềm, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng, khách sạn nhà hàng, kinh doanh bất động sản, tư vấn, dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị mới, khu giải trí, dịch vụ vận tải, giao nhận hàng hóa….

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Nidec (Nhật Bản) trong Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Đồng chí Thái Văn Rê, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM nhấn mạnh: đặc biệt từ năm 2006 đến nay, làn sóng đầu tư nước ngoài bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào các ngành công nghệ cao như viễn thông và chế tạo chip bán dẫn (dự án đầu tư 1,4 tỷ USD của Tập đoàn Intel vào Khu Công nghệ cao), mở ra nhiều triển vọng cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp công nghệ cao trong GDP của TP.

Cần thống nhất các quy định pháp luật

Dù kết quả đạt được trong công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài của TP rất cao, tuy nhiên, theo các đại biểu, nếu chấn chỉnh một số quy định cho thật thống nhất, bài bản, công tác này có thể còn hiệu quả hơn. Các quy định thủ tục, trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn TP chưa được tiến hành triệt để, chưa được bổ sung hoàn thiện theo kịp với tình hình mới. Điều này góp phần làm hạn chế trách nhiệm của các sở, ngành quận-huyện có liên quan đến công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, luật và các văn bản pháp luật chỉ tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong giai đoạn kêu gọi đầu tư, còn sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì không còn được quan tâm hỗ trợ, trong khi nhà đầu tư vẫn rất cần sự hỗ trợ xuyên suốt sau đó. Công tác quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 chưa phủ kín địa bàn nên khi nhà đầu tư quan tâm đến từng địa bàn cụ thể phải hỏi rất nhiều cơ quan, dẫn tới thời gian kéo dài và nhiều trường hợp trả lời không đúng yêu cầu.

Ngoài ra, các quy định pháp luật vẫn chưa thống nhất. Chẳng hạn, điều 16 của Hiến pháp năm 1992 quy định, các thành phần kinh tế khác và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cùng phát triển lâu dài, hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Tuy nhiên, trong một số văn bản pháp luật hiện hành vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử với thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ví dụ, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp FDI còn phức tạp hơn so với các doanh nghiệp trong nước (đối với đăng ký dự án bất động sản và các ngành nghề có điều kiện, thời gian đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 15 đến 45 ngày làm việc; trong khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ có 5 ngày làm việc).

Luật Đất đai quy định tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước được lựa chọn hình thức “giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất” trong khi tổ chức, cá nhân có vốn nước ngoài chỉ được chọn hình thức “thuê đất trả tiền hàng năm hoặc trả tiền một lần cho cả thời gian thuê”. Như vậy, người VN định cư ở nước ngoài được xem là cá nhân nước ngoài và không còn được lựa chọn hình thức giao đất hay thuê đất theo quy định trên của Luật Đất đai (mà phải thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê).

Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn quy định về quy trình thủ tục đăng ký, thẩm tra các dự án đầu tư nước ngoài rất cụ thể, nhưng còn thiếu các quy định về cơ quan nào làm đầu mối công tác hậu kiểm (quản lý, thanh kiểm tra sau cấp phép); cơ chế thanh kiểm tra, giám sát doanh nghiệp chưa rõ ràng; các chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư chưa đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe, hạn chế vi phạm pháp luật. Tất cả thông tin về doanh nghiệp sau khi cấp phép chỉ được cập nhật thông qua báo cáo tình hình thực hiện dự án theo định kỳ của doanh nghiệp và hồ sơ của doanh nghiệp nộp tại cơ quan quản lý đầu tư khi có nhu cầu điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.

Vì vậy, có thể nhận thấy hoạt động quản lý sau cấp phép đầu tư gần như hoàn toàn bị buông lỏng. Vì thế, hội nghị đã đề nghị sửa đổi các quy định pháp luật cho thống nhất, phù hợp với tình hình mới, đồng thời nâng cao công tác phối hợp kiểm tra sau cấp phép để nguồn vốn FDI thật sự mang lại hiệu quả cao cho TP.

Tính đến đầu năm 2011, TPHCM có 3.876 dự án đang còn hiệu lực trên địa bàn TPHCM, với tổng vốn đăng ký là gần 30 tỷ USD. Trong đó, 2 lĩnh vực chiếm tỷ lệ cao nhất là bất động sản (1.315 dự án, chiếm 34%; tổng vốn đầu tư là 14 tỷ USD, chiếm 47,7%) và ngành dịch vụ (1.068 dự án, chiếm 27%; vốn đầu tư khoảng 7 tỷ USD, chiếm 23,5%). Tính đến đầu năm 2011 số vốn đã thực hiện trong tổng vốn đăng ký đạt 42%, tương đương 12,4 tỷ USD.

Hàn Ni (SGGP)

Bình luận (0)