Để thấy rõ hơn sự lạc hậu của kỳ thi tuyển sinh vào đại học và cao đẳng ở nước ta, chúng tôi xin giới thiệu một bài viết của một cựu sinh viên Việt nam đã theo học ở Mỹ. Bạn đọc sẽ thấy cách thức tuyển sinh đại học của họ đơn giản và cũng hiệu quả như thế nào.
Thi SAT
Ảnh minh họa
|
Kỳ thi vào đại học ở Mỹ được gọi là SAT (viết tắt của chữ Scholastic Aptitude Test) có nghĩa nôm na là “bài trắc nghiệm khả năng thích hợp với học thuật bậc đại học”. Mỗi môn có số điểm cao nhất là 800 điểm, thấp nhất là 200 (nghĩa là bỏ bài trắng thì cũng được 200 điểm cho bõ tiền đóng phí thi cử). Có hai loại SAT: SAT 1 chỉ gồm hai môn Toán và Văn, SAT 2 có đầy đủ Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Văn và một vài môn chuyên ngành khác, nhưng lại là loại bài thi ít trường đại học ở Mỹ đòi hỏi nên cũng ít người thi. Bài này chỉ nói riêng về SAT 1 nên gọi luôn là SAT để tránh nhầm lẫn.
Trong môn Toán, câu hỏi chỉ là những trắc nghiệm đại số, hình học, logic xếp từ dễ đến khó mà học sinh Việt Nam rất xem thường vì hai phần ba số câu chỉ cần học hết toán lớp 7 là làm được. Môn Văn chủ yếu giống phần thi từ ngữ, ngữ pháp của lớp 9, cuối bài có thêm một phần tiểu luận chỉ đòi hỏi 200-300 chữ, viết trong vòng 15 phút hay nửa giờ, mà có vẻ giống câu hỏi dành cho các ứng cử viên hoa hậu hơn là sinh viên tương lai vì hỏi toàn những nội dung liên quan đến hòa bình thế giới và sự nỗ lực của bản thân (ví dụ: “Nếu bạn được tự tạo ra một ngày lễ trong năm thì ngày lễ đó sẽ là gì và tại sao” hoặc “Quyết định nào trong quá khứ của bạn có ảnh hưởng to lớn nhất đến tiến bộ của bạn như hôm nay”)…
Chỉ có một yếu tố mà các học sinh Việt Nam hiếm khi nhận ra trước khi thi SAT là sự khống chế về mặt thời gian. Trong vòng ba giờ, phải giải quyết hết gần trăm câu hỏi lớn nhỏ, nhiều câu đơn giản giống như “đang giỡn” nhưng xác suất đúng/sai rất lớn. Như một ẩn ý nho nhỏ, bài kiểm tra đã sớm dạy cho các sinh viên tương lai biết được một bài học quan trọng: Trong cuộc sống có những vấn đề rất đơn giản, nhưng không phải lúc nào bạn cũng được “vận hành” trong một điều kiện toàn hảo để giải quyết chúng một cách hoàn hảo như mong đợi, mà bạn chỉ giỏi nhất khi cho ra kết quả tối ưu nhất trong điều kiện hạn hẹp cho phép!
Ẩn ý thứ hai của SAT có lẽ là: Trong cuộc sống, bạn luôn có cơ hội thứ hai. SAT được tổ chức một năm từ bốn đến bảy lần tùy địa phương và hoàn toàn có thể vào website của ban tổ chức để biết được địa điểm thi gần nhà nhất. Thi thấp điểm lần này thì hoàn toàn có thể thi lại vài tháng sau đó và được thi tối đa ba lần trong một năm, rồi chọn kết quả cao nhất để gửi về cho trường đại học mơ ước của bạn (nhưng phải ghi rõ đó là lần thi thứ mấy và nhà trường có quyền gửi thư hỏi điểm của hai lần trước). Có lẽ đây cũng là cách thử thách xem học sinh sử dụng cơ hội thứ hai khôn ngoan thế nào.
Có một công ty dịch vụ tên là ETS (Education Testing Service), làm việc độc lập với bất kỳ trường đại học nào của Mỹ, tập hợp các giáo sư nổi tiếng nhất trong mọi chuyên ngành để thiết kế bài thi và dùng những thuật toán để lên khung điểm thưởng hay phạt cho từng câu hỏi và quyết định mức độ khó dễ của các đề thi. Người ta có cách tăng điểm thưởng cao khi gần hết giờ, đầu óc thí sinh đã mỏi mệt sau gần ba giờ thi cử mà vẫn kiên cường vượt khó, giải quyết thành công vấn đề. Đây cũng là một cách giáo dục gián tiếp về bản chất của thực tế cuộc sống cho các thành viên tương lai của xã hội.
Vì là bài thi trắc nghiệm, bất cứ trường nào tổ chức kỳ thi (trong nước Mỹ cũng như ở nước khác) đều sẽ được “hoa hồng” của ETS để lưu chuyển đề bài, kết quả bài làm (chỉ hoàn toàn là những ô tròn tô chì để hiển thị câu trả lời A, B, C, D, hay E). Việc chấm điểm đã có máy móc chuyên dụng và tính toán điểm. Còn chuyện lộ đề thì khỏi phải lo vì chính các trường tổ chức thi cũng chẳng biết đáp án, được trả tiền thì cứ tổ chức thi cho đàng hoàng nghiêm túc để lần sau được đăng cai tổ chức tiếp.
Hơn nữa, ETS với ngân hàng đề thi và mạng lưới giáo sư khổng lồ có thể tổ chức đến bảy kỳ thi tương tự trong một năm và dịch vụ bao trọn cả ngành giáo dục Mỹ thì cũng chẳng tội gì phải “tự cắn đuôi mình” để một công ty chuyên ra đề khác “cướp mất nồi cơm”!
Nhưng thiếu SAT cũng chẳng sao
Tuyển sinh đại học Mỹ hoàn toàn không chỉ là vấn đề “thi vào đại học”, với lý do là năng lực của thí sinh qua 12 năm học không thể gom vào ba tiếng đồng hồ trắc nghiệm. Vì vậy, điểm SAT cao không phải là yếu tố duy nhất để học sinh được tuyển vào học bậc đại học. SAT chỉ là một trong sáu yếu tố chính trong quá trình sàng lọc, thậm chí với một số trường cấp tiến, SAT không hề bị bắt buộc vì học sinh ở một số vùng sâu vùng xa, thi SAT mỗi lần tốn khoảng 100 USD là một gánh nặng cho gia đình của học sinh!
Vì hệ thống giáo dục Mỹ là hệ thống “không tập trung”, nghĩa là mỗi trường trung học hoặc đại học có giáo án riêng, cách tính điểm riêng nên chuyện lạm phát điểm là không thể tránh khỏi. Ý nghĩa của SAT chỉ là một kỳ thi “chuẩn” (standardized test) để biết được khả năng của sinh viên tương lai so với một chuẩn chung. Có điểm SAT ròng tuyệt đối (dao động từ 200-800) và cũng có điểm tương đối (xếp hạng bao nhiêu trong nhóm thí sinh trong đợt thi).
Bàn về sáu yếu tố trong tuyển sinh đại học Mỹ thì phải gọi như cụ Nguyễn Du là “đủ ngần ấy nết mới là người soi”. Yếu tố thứ nhất: Trường muốn biết các sĩ tử đã học hành những gì và ra sao trong bốn năm trung học qua bảng điểm và hướng dẫn tính điểm của từng trường. Vì là giáo dục “không tập trung”, học sinh được thoải mái chọn lớp để ghi danh học. Nhìn bảng điểm, trường đại học sẽ biết ngay học sinh có học lệch không, lĩnh vực quan tâm chủ yếu là gì và kết quả (tương đối) của công lao học tập là bao nhiêu.
Yếu tố thứ hai: Trường đòi ba lá thư giới thiệu từ các thầy cô đã từng trực tiếp giảng dạy học sinh. Sự đánh giá khách quan của các thầy cô sẽ cho trường biết một thông tin quan trọng về khả năng học vấn của học sinh (so với các bạn đồng trang lứa trong một môi trường giống nhau, học sinh đã tận dụng cơ hội học hành ra sao, có sức học chênh lệch thế nào, điểm mạnh và điểm yếu khi giải quyết vấn đề, tương tác với bạn cùng nhóm…).
Trường chấp nhận học sinh chỉ chọn chủ nhiệm các môn mình học giỏi nhất hoặc có quan hệ tốt nhất để được một thư giới thiệu tốt, nhưng cũng biết đánh giá cách học sinh phân bố thư giới thiệu. Nếu chỉ chọn toàn thầy cô dạy môn phụ, thời gian tiếp xúc ít thì rõ ràng học sinh đang cố “né” lời nhận xét không hay về thái độ học tập môn chính; hoặc nếu học sinh chỉ tập trung vào các thầy cô ở các môn xã hội mà không có thầy cô bên môn tự nhiên thì có thể các điểm Toán, Lý, Hóa cao trong sổ điểm có vấn đề.
Nội dung của thư giới thiệu được thầy cô niêm phong và trực tiếp gửi đến trường đại học nên hầu hết học sinh không biết nội dung. Theo như tiết lộ của một số viên chức phụ trách bộ phận tuyển sinh đại học, những lời bình luận như: “Cô ấy không bao giờ suy nghĩ như mọi người hoặc làm theo đám đông” hoặc “Đôi khi cậu ấy thử thách quan niệm của tôi về cách giảng dạy, rất lười làm bài về nhà vì cảm thấy vô ích” lại được đánh giá là… lời khen! Trong khi học bạ Việt Nam lại đầy những câu chung chung như “chăm”, “ngoan” khi dịch ra tiếng Anh (có công chứng hẳn hoi) thì lại là “docile” (có nghĩa là vâng lời, dễ thuần phục), hoặc “diligent” (siêng năng, mẫn cán).
Yếu tố thứ ba: Trường cho phép học sinh có năm phút tự giới thiệu để giải trình đầy đủ nguyện vọng. Đó chính là bài luận văn! “Văn là người” nên trường khuyến khích học sinh thể hiện ý tưởng của mình mạch lạc trên một văn bản có khả năng chuyển tải thông tin hiệu quả gói gọn trong khoảng từ 800 đến 1.200 chữ. Bài luận được làm và gửi kèm đơn xin học chung (common application form).
Một vài trường “xịn” có thể yêu cầu hai bài luận (một bài theo đơn xin học chung và một bài do trường ra), nhưng đề của các bài luận này dễ đoán vì năm nào các thí sinh cũng đều biết thường có sáu đề luận na ná nhau để chọn một, ví dụ: “Bạn hãy kể về một người đã thay đổi toàn bộ cuộc đời bạn” hoặc “Bạn hãy kể về một thất bại mà bạn đã gượng dậy và học được điều gì từ nó?”.
Yếu tố thứ tư: Hoạt động ngoại khóa và hoạt động cộng đồng. Các trường đại học không muốn tuyển và đào tạo một con mọt sách, chỉ chắm chúi vào học tập mà không hề quan tâm gì đến các vấn đề xã hội, văn hóa, thể thao… Do vậy, một ứng cử viên sáng giá cho trường đại học là người cân bằng được việc học với những thú vui cá nhân và việc làm giúp ích cho cộng đồng.
Yếu tố thứ năm: Học sinh phải giới thiệu được điều gì và bằng cách nào để đóng góp và làm giàu cho cộng đồng đại học mà họ sắp sửa tham gia. Điều này được thể hiện dưới dạng một bài luận nữa hoặc bằng các phương tiện khác, miễn là có sức thuyết phục. Trường sẽ chọn học sinh căn cứ vào nguồn gốc, sắc tộc, tôn giáo, vùng miền để sân trường được “muôn hoa khoe sắc thắm”, các sinh viên có thể tương tác và học cách tương tác với nhau một cách bình đẳng.
Trong luật Mỹ có một sắc luật nghiêm cấm trường đại học đóng cửa cơ hội đối với sinh viên thuộc về thiểu số dân cư nào đó (người da đỏ, người tàn tật, người ở khu vực bị thiệt thòi, có chiến tranh). Đó là lý do những năm gần đây, các trường đại học danh tiếng của Mỹ rất ưu tiên tuyển sinh viên giỏi từ Việt Nam và còn cấp nhiều loại học bổng. Có lẽ họ còn muốn trong khuôn viên của nhà trường có những đại diện từ bên kia bờ đại dương có thể dạy bạn bè làm gỏi cuốn, hát dân ca hoặc đóng góp những tranh luận nhiều chiều về các vấn đề học thuật cũng như quản lý cộng đồng sinh viên…
Cuối cùng, trường mới đòi học sinh nộp điểm SAT và còn “thòng” thêm một câu rằng điểm này chỉ có tính tham khảo. Nếu nó ngang bằng với bảng điểm trong lớp thì không có gì quan trọng, còn nếu quá yếu thì lúc đó sẽ được… tính tiếp! Chỉ cần học sinh viết một lá thư cho trường nói không có sẵn 100 USD để thi tuyển sinh, hoặc vùng lãnh thổ của họ không có tổ chức thi SAT, trường sẵn sàng trả lời “No problem!” (Không sao cả) để học sinh lại an tâm lo cho tốt năm yêu cầu còn lại của hồ sơ tuyển sinh đại học như đã nói trên.
Liệu đến bao giờ Việt Nam ta mới có một chế độ thi cử như thế này!
Theo PHƯƠNG KHANH
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Bình luận (0)