Tòa soạnThư đi – tin lại

Đề phòng cháy nổ: Siết chặt tháng giáp Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Một vụ cháy lớn tại cửa hàng điện ở Q.11 TP.HCM

Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì trung bình mỗi năm cả nước xảy ra trên 2.000 vụ cháy, nổ, riêng TP.HCM chiếm  gần 200 vụ cháy. Đặc biệt tập trung vào những tháng cuối năm khi các doanh nghiệp và người dân tăng cường sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện, gas mà lại thiếu sự cẩn trọng về công tác phòng chống cháy nổ.
Sơ suất điện và lửa là nguyên nhân hàng đầu
Đó là nhận định của Thiếu tướng Trần Triều Dương – Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM. Theo đó thì phần lớn các vụ cháy trên địa bàn TP đều do sự cố về điện như sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện quá tải, hư cũ dẫn đến chập điện, vệ sinh công nghiệp kém để lan cháy. Đồng thời do ý thức của người dân khi sử dụng các thiết bị dễ gây cháy nổ như gas mà không chấp hành nghiêm chỉnh về an toàn phòng chống cháy nổ. Tại các cơ sở sản xuất cũng như các hộ dân, công tác này cũng còn rất lơ là và chủ quan.
Năm 2012 là năm thực hiện chương trình toàn dân tham gia phòng chống cháy nổ, Sở Cảnh sát PCCC đã ban hành gần 200 văn bản, kế hoạch tăng cường các biện pháp PCCC, tham mưu cho UBND TP ban hành trên dưới 10 văn bản phối hợp với các quận huyện về công tác đảm bảo PCCC. Nhưng trong năm qua, sở cũng đã nhận được hơn 700 tin báo cháy trên toàn TP với 121 vụ cháy nghiêm trọng gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
 Thiếu tướng Trần Triều Dương cũng cho biết, đặc biệt vào những tháng cuối năm là mùa khô hanh, các doanh nghiệp, các cơ sở gia công, các khu vui chơi và người dân đều tăng năng suất tiêu thụ điện, tăng sử dụng các thiết bị điện và gas thì cũng là thời điểm mà các vụ cháy nổ dễ phát sinh. Điển hình, vào cuối tháng 11 vừa qua, vụ nổ xảy ra tại một phòng trọ ở P.Tây Thạnh (Q.Tân Phú) khiến 5 người bị thương nặng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nổ bình gas. Trước đó, rạng sáng ngày 2-1, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), hỏa hoạn cũng đã bùng cháy dữ dội tại Trung tâm Điện máy Sony Center thiêu trụi hoàn toàn 600m2 và toàn bộ máy móc, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Theo Phòng Cảnh sát PCCC Q.3 thì nguyên nhân cháy do chập điện từ biển quảng cáo.
Nói về công tác PCCC trên địa bàn Q.11, ông Lê Minh Hiếu – Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Q.11 nhận định, hầu hết các vụ cháy trên địa bàn quận đều do người dân chưa ý thức được việc đảm bảo an toàn cháy nổ trong việc sử dụng điện và gas. Chỉ cần một chút sơ suất rất nhỏ về sử dụng các thiết bị điện, gas cũng có thể xảy ra những vụ cháy nổ gây thiệt hại nặng nề.
Tháng cao điểm đề phòng cháy nổ
Chỉ còn gần một tháng nữa là đến thời điểm Tết Quý Tỵ. Những ngày này, tại các cơ sở sản xuất, các khu vui chơi giải trí, lượng tiêu thụ điện cũng tăng lên vùn vụt. Toàn TP hiện còn 5 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt tại các quận tập trung nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất gia công đồ may mặc, bánh kẹo như Q.Tân Phú, Tân Bình… Chính vì vậy, chủ trương của Sở Cảnh sát PCCC là tăng cường kiểm tra, giám sát; phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC các quận huyện để kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp về công tác an toàn cháy nổ.
Thiếu tướng Trần Triều Dương cho biết, để người dân được đón một cái Tết vui vẻ, an toàn, Sở Cảnh sát PCCC đã có những biện pháp tổ chức kiểm tra an toàn PCCC các cơ sở trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa. Bố trí lực lượng, phương tiện bảo vệ tuyệt đối an toàn và kịp thời ứng phó tại các địa điểm tổ chức lễ hội trong TP. Đồng thời thực hiện tuyên truyền đến người dân tầm quan trọng của việc PCCC.
 Trung tá Nguyễn Thanh Hưởng – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Q.11 chia sẻ: “Thời điểm giáp Tết, phòng cũng xây dựng kế hoạch tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn về cháy nổ trên toàn quận. Tuy nhiên, công tác PCCC còn gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng ùn ứ giao thông, phương tiện chữa cháy đã cũ, thường xuyên hư hỏng… việc tập huấn luyện PCCC cũng cản trở do doanh trại đơn vị còn chật chội, thiếu sân bãi”.
Bài, ảnh: Yến Hoa

Bình luận (0)