TP.HCM đang bước vào cao điểm nắng nóng. Đây cũng là thời điểm xảy ra nhiều vụ cháy nhất trong năm, người dân nên đề phòng.
Các chiến sĩ PCCC đang làm nhiệm vụ. Ảnh: I.T
Thiệt hại nặng nề
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) – PC07, nguyên nhân các vụ cháy gần đây được xác định chủ yếu do sự cố hệ thống điện, sự bất cẩn trong dùng nguồn điện, nguồn nhiệt sinh hoạt…
Theo đó, vụ cháy xảy ra tại các nhà ở đơn lẻ, xưởng sản xuất và nhà ở kết hợp kinh doanh chiếm trên 50% số vụ. Các vụ cháy gây thiệt hại nặng về người và tài sản do thời điểm ít người qua lại, không được phát hiện và báo cháy kịp thời, lại nằm sâu trong khu dân cư hoặc nhà cao tầng nên lực lượng chức năng khó tiếp cận.
TP.HCM đang bước vào đỉnh điểm mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng cao. Thêm vào đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng hoạt động hết công suất sau dịch Covid-19… khiến nhu cầu sử dụng vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất tăng nhưng an toàn về PCCC chưa được coi trọng, là nguyên nhân dẫn đến cháy nổ.
Gần đây nhất (ngày 11-3), đám cháy phát ra từ căn gác gỗ của một căn nhà cấp 4 trên đường Nguyễn Văn Bảo, P.4, Q.Gò Vấp khiến người dân trong khu vực náo loạn. Nhận tin báo, Đội Cảnh sát PCCC-CNCH – Công an quận Gò Vấp đã điều hai xe chữa cháy và 12 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường, kịp thời giải cứu hai người bị mắc kẹt bên trong. Vụ cháy khiến một nạn nhân bị thương nặng, là cụ bà Trương Thị Lũy, sinh 1927, bị liệt toàn thân đã được đưa đến bệnh viện Quân y 175 điều trị. Đáng nói là tại khu vực xảy ra cháy là nơi cất giữ đồ đạc sinh hoạt dễ cháy như gối, nệm, quần áo… Sau gần 1 giờ, đám cháy đã được khống chế, bảo vệ an toàn cho các căn nhà liền kề.
Trước đó, một vụ cháy xảy ra tại số 247 Đề Thám, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1 khiến các hộ dân liền kề một phen hoảng loạn. Theo đó, lúc 13 giờ 45 ngày 28-2, người dân phát hiện đám khói đen nghi ngút phát ra từ lầu 8 của căn nhà liền hô hoán và kêu cứu. Nhờ công tác phối hợp tốt giữa Đội Cảnh sát chữa cháy khu vực 1 – Phòng PC07 và Đội Cảnh sát PCCC-CNCH – Công an quận 1, đã sử dụng xe thang cứu được 3 người trong đám cháy ra ngoài an toàn. Đám cháy đã được dập tắt ngay sau đó, khu vực xung quanh an toàn.
Gần đây nhất, vụ hỏa hoạn xảy ra tại phòng 10.2 thuộc tầng 10 chung cư Carillon 5 (P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú) khiến 2 người tử vong một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn cháy nổ ở nhà cao tầng.
Vụ cháy xảy ra vào sáng sớm (lúc 4 giờ 15 phút), lại ở tầng cao nên công tác cứu nạn cứu hộ gặp không ít khó khăn. Khi nghe báo cháy, cư dân cùng tầng và các tầng khác tháo chạy bằng đường thoát hiểm. Theo cơ quan chức năng, do cố thoát khỏi đám cháy bao trùm, hai người trong căn hộ này đã leo qua cửa sổ để nhảy xuống và tử vong.
Qua công tác khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có mùi xăng, can nhựa… Qua thu thập, nạn nhân, bà N.T.N.N (sinh 1979) bị ung thư giai đoạn cuối và đã nhiều lần có ý định tự tử. Từ những thông tin trên, lực lượng chức năng nhận định vụ hỏa hoạn trên là do dùng xăng đốt tự tử.
Hiện trường vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh ở TP.HCM. Ảnh: I.T
Theo đại tá Huỳnh Quang Tâm (Trưởng phòng PC07), các vụ cháy gây thiệt hại nặng về người và tài sản phần lớn là do xảy ra vào ban đêm, không được phát hiện kịp thời. Chính vì vậy, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những sự cố đáng tiếc, hơn ai hết mỗi hộ gia đình cần ý thức cao trong việc tuân thủ các quy định về an toàn PCCC.
Cần tuân thủ các quy định về an toàn PCCC
Nguyên nhân các vụ cháy xảy ra trong thời gian qua chủ yếu vẫn là do sự cố về hệ thống điện sinh hoạt, sản xuất, sự bất cẩn trong đun nấu, thắp hương và cất giữ các loại hàng hóa, vật dụng ở nơi gần với nguồn nhiệt. Một nguyên nhân gây cháy nổ nữa mà người dân cần quan tâm đề phòng là do sự cố chập điện từ xe máy.
Nguyên nhân đã rõ, song có thể ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản nếu người dân tự trang bị phương tiện chữa cháy cũng như có các phương án thoát nạn khi cần thiết.
Theo PC07, trong năm 2021, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 374 vụ việc liên quan đến cháy nổ và CNCH, trong đó có 212 vụ cháy khiến 26 người chết và 38 người bị thương, ước tính thiệt hại khoảng 6,2 tỷ đồng. Được biết, trong năm 2021, PC07 đã đưa vào sử dụng ứng dụng báo cháy và sự cố, tai nạn Help 114. Người dân có thể tải ứng dụng này về thiết bị di động, khi phát hiện sự cố có thể thông tin nhanh đến lực lượng chức năng. |
“Rất nhiều khu dân cư, chung cư cũ bị người dân cơi nới, lắp lồng sắt, lưới sắt cố định ở lan can… khiến lực lượng chữa cháy không thể tiếp cận đám cháy kịp thời. Nhiều vụ cháy nằm trong các khu dân cư, các hẻm nhỏ và sâu, ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp cận để CNCH và khống chế đám cháy”, ông Tâm cảnh báo.
Từ các nguyên nhân trên, ông Tâm khuyến cáo, người dân, hộ sản xuất cần tuân thủ các quy định về an toàn PCCC. Thực hiện quản lý chặt chẽ các loại vật dụng dễ cháy, nổ và các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt; Ngắt công tắc, cầu dao… khi không sử dụng, không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; Trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà cần kiểm tra nơi đun nấu, nơi thắp hương thờ cúng. Đặc biệt trong khu vực sản xuất cần chú ý với các loại khí đốt, hóa chất và vật liệu dễ cháy…
Khi phát hiện những điểm có nguy cơ cháy, nổ trong khu dân cư, người dân cũng mạnh dạn tố giác để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, ngăn ngừa từ xa. Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình cần trang bị dụng cụ phá dỡ, chữa cháy đề phòng có tình huống xấu xảy ra. Nếu có điều kiện, thiết kế lối thoát hiểm phụ ở ban công, cửa sổ…
T.Anh
Bình luận (0)